Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vừa được Quốc hội thông qua. Những vấn đề đặt ra như Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) sẽ triển khai như thế nào để đảm bảo chất lượng của sách giáo khoa (SGK), hay mục tiêu đề án nêu ra về việc làm SGK, đang được nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo và đông đảo dư luận xã hội quan tâm.
Sau khi Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được Quốc hội thông qua, các nhà giáo, chuyên gia giáo dục lo ngại với sự tham gia “sâu” của Bộ GD - ĐT vào việc viết SGK sẽ khiến các tổ chức, cá nhân khác e dè khi tham gia viết sách.
Hội đồng thẩm định phải được tuyển lựa rộng rãi
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa biên soạn SGK trên cơ sở khung chương trình thống nhất của Bộ sẽ giúp phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của xã hội, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục phổ thông. Dù chủ trương mở như vậy, nhưng chỉ có một bộ sách do Bộ GD - ĐT thực hiện và chưa thấy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ra sao, là điều đáng quan tâm. Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những gì như trong đề án thể hiện khó thấy bóng dáng của các tổ chức cá nhân khác khi biên soạn SGK. Điều này sẽ gây khó trong quá trình thực hiện và hơn nữa tính cạnh tranh sẽ không cao.
Giáo viên là “chìa khóa” khi triển khai đề án. |
Một vấn đề được đặt ra rất nhiều lần và đến nay vẫn mới, đó là tính khách quan trong quá trình thẩm định SGK. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Dân lập Lương Thế Vinh khẳng định: “Hội đồng thẩm định SGK phải hoạt động độc lập với Bộ GD - ĐT. Việc tuyển lựa những người tham gia Hội đồng thẩm định cũng cần rộng rãi. Tôi cho rằng, có thể có người của Bộ GD - ĐT nhưng những người làm chuyên môn đến từ các viện, hội như: Viện Toán học, Viện Vật lý, Viện Toán học, Hội Nhà văn… là rất cần có. Tính khách quan sẽ thể hiện ở điều này khi đa dạng các nhân tố của Hội đồng thẩm định. Vì vậy, rất mong chờ những giải quyết khách quan từ Chính phủ, cũng như Bộ GD- ĐT”.
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống: “Đến nay chưa có tổ chức hay cá nhân nào đăng ký viết SGK. Chúng tôi rất mong xã hội sẽ hưởng ứng và có nhiều sách”. |
PGS Văn Như Cương cho biết thêm, vấn đề thẩm định sẽ dễ dàng nếu có một chương trình chuẩn và chi tiết. Ví dụ, trong chương trình sẽ yêu cầu những nội dung như thế nào. Ở từng bài, từng chương yêu cầu kiến thức gì. Thậm chí, chương trình ở một số nước tiên tiến chi tiết tới mức thầy giáo có thể dựa vào đó để ra bài tập cho học sinh.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học cho rằng, Bộ GD - ĐT đặt ra vấn đề là dù bộ sách của Bộ hay của các tổ chức khác, cũng đều thông qua Hội đồng thẩm định Quốc gia, thì hội đồng này phải làm thật khách quan, không để xảy ra tình trạng bộ SGK của Bộ GD - ĐT đưa ra khống chế toàn bộ bộ sách khác.
Lo ngại sẽ không có tổ chức, cá nhân tham gia
Điều mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng như nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn là Bộ GD- ĐT được cấp kinh phí để viết một bộ SGK, trong khi các tổ chức, cá nhân khác lại không được ưu tiên này. Đây được xem là rào cản lớn nhất.
PGS Văn Như Cương, cho hay: “Vấn đề đáng lo ngại nhất ở đây là sẽ không có cá nhân nào đăng ký tham gia viết sách. Nguyên nhân, quy trình bổ sung sách giáo là quá trình lâu dài, không phải kêu gọi là làm ngay được. Thứ nữa là vấn đề kinh phí. Đồng ý là có Hội đồng thẩm định độc lập, nhưng để huy động được một cá nhân, tổ chức viết sách từ lớp 1 - 12 là điều khó. Để viết cả bộ sách từ lớp 1- 12 phải huy động 50 - 100 người viết. Trong khi sách chỉ được công nhận khi Hội đồng thẩm định duyệt. Sẽ có trường hợp, đã huy động nhân lực, tiền bạc viết sách nhưng lại không được duyệt. Đó là trở ngại rất lớn khiến nhiều tổ chức, cá nhân e dè, thậm chí không dám đăng ký viết sách”.
GS Đào Trọng Thi cho biết, những vấn đề về phân bổ tài chính cho các nhóm viết sách, đảm bảo tính công bằng của Hội đồng thẩm định sẽ được Nghị quyết của Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ phải thực hiện. Từ đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện và ban hành đề án để triển khai, có sự giám sát của Quốc hội, xã hội. |
Hãy để cho việc biên soạn và viết sách có sự cạnh tranh và căn cứ từ nhu cầu thực tế của giáo viên, học sinh, là ý kiến của một số chuyên gia. TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục cho rằng, Bộ GD - ĐT không nên quá ôm đồm việc biên soạn SGK. Việc mà Bộ nên làm tốt là xây dựng một chương trình chuẩn. Từ chương trình chuẩn, việc làm ra một hay nhiều bộ sách sẽ được đơn giản hóa. Đã đưa các tổ chức cá nhân vào biên soạn thì cần có sự cạnh tranh công bằng, đặc biệt trong phân bổ kinh phí nên được xem xét.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, cơ chế tài chính trong biên soạn, sử dụng SGK phải hết sức công bằng. Đó là, các nhóm làm SGK phải được hỗ trợ kinh phí như nhau, không phân biệt Bộ GD- ĐT hay nhóm nào; kinh phí hỗ trợ học sinh mua SGK cũng được chi như nhau đối với các bộ SGK. Như vậy là sẽ bảo đảm được công bằng giữa các bộ SGK, sách nào hay thì sẽ được lựa chọn.
GS Nguyễn Khắc Phi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Xây dựng chương trình là đòi hỏi cấp thiết Để đáp ứng được những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, việc xây dựng chương trình cần được làm kỹ lưỡng. Có chương trình thì mới làm sách được. Vì vậy cần huy động đội ngũ các nhà khoa học tập trung làm chương trình chuẩn quốc gia ở các cấp học. Nếu chương trình hoàn thành, thì việc viết sách ra sao cũng sẽ được đơn giản hóa chứ không nhiều ý kiến như hiện nay. |
Hồng Lê