Không “nhẹ tay” với nghiên cứu sinh
Tại cuộc họp báo, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: “Hiện Học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ (Học viện không đào tạo cử nhân, chỉ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ). Chỉ tiêu hàng năm của Học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu/năm. Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi”.
Khẳng định quy trình đào tạo tiến sĩ của học viện rất chặt chẽ, GS Võ Khánh Vinh dẫn chứng: “Bên cạnh việc thực hiện theo Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD - ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định như: Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm...”.
Trước thông tin về quy trình đào tạo tiến sĩ, chất lượng đào tạo, chất lượng các đề tài “có phần du di”, GS Võ Khánh Vinh khẳng định: “Không có chuyện Học viện du di, nhẹ tay với nghiên cứu sinh. Việc thực hiện các đề tài luận án tiến sĩ được công khai hóa trên website của Học viện để xã hội giám sát. Quy trình này bảo đảm trải qua 3 bộ lọc: Chuyên môn, xã hội, đạo đức. 412 giảng viên từ Viện hàn lâm đều là giảng viên cơ hữu. Chưa nơi nào mà có nhiều đề tài nghiên cứu được đưa vào giảng dạy nhiều như ở Học viện. Đặc thù của Học viện là có rất nhiều GS, PGS, Tiến sĩ danh tiếng”.
Trong những ngày qua, dư luận xã hội, nhất là cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin từ một người dùng mạng xã hội (vốn là một nhân vật hoạt động trong ngành giáo dục): "Chỉ từ ngày 1/1 đến ngày 11/4/2016, nơi đây (Học viện Khoa học Xã hội - PV) đã cho "ra lò" (gọi là "bảo vệ thành công") 58 tiến sĩ. Như vậy, trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày/tiến sĩ.
Người này còn nêu thống kê, trong năm 2015, từ 1/1 - 31/12, Học viện Khoa học Xã hội đã cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 1 ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. Và vị này đưa ra nhận xét: Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích dưới một ngày làm việc cho “ra lò” một tiến sĩ.
Các đề tài đều mang tính thực tiễn cao
Xung quanh hai đề tài bị chê là “vụn vặt”, được dư luận mổ xẻ là "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" và “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, chính thành viên của Hội đồng khoa học của những đề tài này đã “lên tiếng”, khẳng định đó là những đề tài mang tính thực tiễn cao.
GS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta thường quan niệm, đề tài tiến sĩ phải to tát nhưng thực tế, trên thế giới, những đề tài nghiên cứu sau đại học rất thực tiễn, cụ thể. Ví dụ Hà Lan đã từng có nghiên cứu tiến sĩ về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh; về hành vi giũ nước bọt ngoài đường...”. Mục tiêu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là gắn nghiên cứu với đào tạo, vì vậy, rất cần những đề tài hiện thực, có ý nghĩa với cuộc sống. Và thực tế, không có đề tài nào vô nghĩa cả”.
“Đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" đã được các cấp Hội đồng đánh giá là đề tài có ý nghĩa thực tiễn lớn và hay. Từ trước đến nay chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, Việt Nam có 11.164 xã, đồng nghĩa có 11.164 chủ tịch xã, rất đáng để nghiên cứu. Cấp xã là cấp chính quyền cuối cùng trong hệ thống chính trị, chính sách có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền cấp xã và chủ tịch xã có hiểu được dân hay không, nắm được dân hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề giao tiếp. Do đó, chúng tôi cho đây là đề tài rất thực tiễn”, GS Vũ Dũng khẳng định.
Còn ở đề tài “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định đây là luận án tốt. GS Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm: “Tôi đang đề nghị tác giả làm sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ thói xu nịnh. Chúng ta phải biết và hiểu ý nghĩa đề tài, nếu nghi ngờ chất lượng thì Bộ GD - ĐT cứ hậu kiểm”.