Ngày 25/10, Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định, phân tầng cơ sở giáo dục đại học là sự sắp xếp thành nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu, định hướng đào tạo, dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp với quy định. Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
Phân tầng đại học sẽ giúp các thí sinh dễ dàng lựa chọn các trường phù hợp với mình hơn. Ảnh: Quý Trung
|
Theo GS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì những vấn đề đặt ra trong Nghị định 73 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu tiếp cận được với xu thế hội nhập, có tham khảo một số tiêu chí của các tổ chức, trường đại học trên thế giới. Việc đưa các bộ tiêu chí này đã tiếp cận phân tầng đại học theo mục tiêu và sứ mệnh, lượng hóa các hoạt động và đặc trưng cơ bản đại học và có thể làm cơ sở bước đầu để quản trị chiến lược, quản trị mục tiêu, định vị và xây dựng kế hoạch phát triển các trường.
GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, việc đáp ứng các tiêu chí trong phân tầng của Bộ GD - ĐT đưa ra không phải là khó khăn của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bởi trường đã ban hành bộ tiêu chí đại học nghiên cứu tương đương với chuẩn của nhóm 200 châu Á. Lâu nay, trường cũng thường xuyên tự đánh giá cho các trường đại học thành viên và từ đó định hướng đầu tư để phát triển các chỉ số phù hợp. Vì vậy, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn của đại học theo định hướng nghiên cứu thì về cơ bản, có những tiêu chí trường vượt tiêu chuẩn này, có những tiêu chí tiệm cận và một số tiêu chí cần thời gian để phấn đấu. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội có quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 27,5% (tiêu chuẩn là trên 30%) tổng quy mô đào tạo của các ngành, chuyên ngành theo định hướng nghiên cứu; Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ là 48,5% (so với tiêu chí là trên 50%); tỷ lệ sinh viên (Đại học, cao học và nghiên cứu sinh) chính quy so với giáo viên cơ hữu là 16,5% (tiêu chí là không quá 15%). Tỷ lệ này ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 12%. Số chuyên ngành đào tạo từ thạc sĩ đến tiến sĩ là 100 ngành.
“Điều làm tôi phân vân là ở chỗ, phân tầng đại học như vậy có vô tình triệt tiêu một số chức năng của đại học. Trường đại học nào cũng có ba chức năng: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao, phục vụ cộng đồng. Thực chất của đại học định hướng nghiên cứu mô tả trong nghị định là nghiên cứu cơ bản, không ứng dụng, không chuyển giao, không hợp tác trường học - doanh nghiệp và địa phương; như vậy khác gì là một tháp ngà? Chính các trường đại học nghiên cứu là các trường phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức và tư vấn tốt nhất, phục vụ hiệu quả nhất cho cộng đồng, vì thế nếu phân tầng một cách “máy móc” như vậy không phù hợp với thực tế”, GS Đức chia sẻ.
Không quá thuận lợi như ĐH Quốc gia Hà Nội, theo PGS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng ĐH Văn hóa, so với những tiêu chí phân tầng, ĐH Văn Hóa vẫn cần thời gian ít nhất là 2 năm để hoàn thiện đội ngũ và cũng chưa khẳng định được là ở tầng nào. “Việc trường ở tầng nào phụ thuộc rất nhiều vào khâu kiểm định, đánh giá của đơn vị kiểm định, đây là điều tôi lo lắng nhất”, PGS Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh.
Tâm tư của lãnh đạo trường ĐH Văn hóa cũng là nỗi lo chung của hầu hết các trường ĐH hiện nay, bởi không có nhiều trường đã được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo được các tiêu chí như trường ĐH Quốc gia Hà Nội; mà hầu hết sẽ thiếu tiêu chí này, thừa tiêu chí kia… dẫn tới việc nếu thực hiện phân tầng, sẽ mất một thời gian không ngắn để điều chỉnh cho phù hợp. “Lo nhất là trong khi chưa kịp điều chỉnh, trường sẽ bị xếp vào tầng không phù hợp với năng lực, trình độ của mình; dẫn tới có những khó khăn cho trường trong hoạt động tuyển sinh sau này, cũng như dẫn tới việc sinh viên sẽ có những chọn lựa không chính xác khi đăng ký tuyển sinh”, một hiệu trưởng trường ĐH chia sẻ.
“Điều khó nhất là tiêu chí chương trình đào tạo tại cơ sở do các chuyên gia, doanh nhân, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật... tham gia giảng dạy báo cáo, chuyên đề. Tỷ lệ này ở các đại học thực hành chưa thể đáp ứng được”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Còn một điều nữa cũng khiến các trường băn khoăn là việc đảm bảo năng lực của đơn vị đánh giá, phân tầng. Nghị định 73 của Chính phủ giao cho Bộ GD - ĐT lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Trong khi, giới chuyên môn khẳng định ở Việt Nam, có hai đơn vị kiểm định công lập được phép kiểm định là hai trung tâm kiểm định trực thuộc hai ĐH quốc gia Hà Nội và Đà Nẵng. “Trước mắt, Bộ sẽ giao cho các cơ quan kiểm định công lập làm trước. Năm 2016 là các cơ quan kiểm định ngoài công lập. Ban đầu sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm trước sự giám sát của Bộ GD - ĐT. Đây cũng là lựa chọn tốt nhất hiện nay nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các trường”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết.