Hai thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc chỉ đạo thực hiện việc tổ chức ngày khai giảng theo định hướng của ngành giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Hà Nội chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức khai giảng vào ngày 5/9 và chỉ kéo dài trong một giờ. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Hàng triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới năm học 2016- 2017. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ở cấp mầm non, các trường tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo về thời lượng, nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt cho các bé trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Công tác chuẩn bị, đón học sinh diễn ra từ 7h đến 7h30 và lễ khai giảng được tổ chức ngay sau đó, chỉ kéo dài trong vòng một giờ.
Sở hướng dẫn trường tổ chức lễ khai giảng với 6 hoạt động chính, bao gồm lễ chào cờ, hát Quốc ca (theo quy định, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và các đại biểu dự lễ chào cờ hát Quốc ca); đại diện trường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư Chủ tịch nước gửi nhân ngày khai giảng; hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường và tổ chức hoạt động tập thể.
Các vấn đề khác như đồng phục học sinh, công tác y tế trường học, xây dựng cảnh quan sư phạm trường, lớp và các hoạt động khác cũng được nêu trong bản hướng dẫn. Cụ thể, sở yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp, được Hội đồng nhà trường và cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh.
Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản gửi các đơn vị giáo dục về tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Theo đó, lễ khai giảng năm học 2017-2018 được tổ chức thống nhất tại tất cả trường học từ 7h30 ngày 5/9, bao gồm phần lễvà phần hội.Buổi lễ phải tổ chức trên tinh thần ngắn gọn, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới.
Lãnh đạo các cấp được mời tham dự lễ khai giảng chỉ được đọc thư chúc mừng nhân ngày khai trường của Chủ tịch nước. Đặc biệt, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng phải ngắn gọn, không được báo cáo thành tích. Các trường mầm non tổ chức ngày hội đón trẻ mầm non tới trường thật chu đáo, với nhiều nội dung sinh động, nhằm tạo ấn tượng tốt cho trẻ mầm non.
Trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục đào tạo dự kiến lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện.
Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.