Về hình thức bài thi, ngoài môn ngữ văn thi hình thức tự luận các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, nên đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách dạy, cách học và cách làm bài thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn tổ hợp khoa học xã hội (địa lý, lịch sử, công dân ). Chính vì thế, tâm trạng của thầy và trò vẫn có chút lo lắng vì chưa quen với hình thức thi trắc nghiệm. Nếu dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT trở thành hiện thực, nhà trường sẽ tổ chức hội thảo bàn kĩ về cách dạy, cách học sao cho phù hợp với nội dung và hình thức thi này.
Về kế hoạch ôn tập để dự thi theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, tôi thấy rằng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch ôn tập của nhà trường. Các năm qua, nhà trường đã tổ chức ôn tập tối đa là 8 môn học, nay là ôn tập tối đa 9 môn (thêm bộ môn Giáo dục Công dân), sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thời gian tự học của các em. Năm học 2016 - 2017, nhà trường vẫn chủ trương tổ chức ôn tập cho khối 12 bắt đầu từ đầu học kì II, đồng thời tăng cường kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm (trừ bộ môn Ngữ văn) trong suốt năm học. Bộ cần cụ thể hơn về tổ hợp môn xét tuyển ĐH khi dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia để học sinh yên tâm học tập. Bên cạnh đó, theo dự thảo, thời gian làm bài thi tổ hợp chỉ có 90 phút liệu có đủ?
Theo tôi, nên tăng thời gian làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội lên 120 phút. Phải có đề thi mẫu trong thời gian sớm nhất để các em làm quen và nhà trường chủ động trong cách ra đề kiểm tra trắc nghiệm cho các bộ môn KHXH và môn Toán. Đặc biệt, để tạo ra sự khách quan, công bằng, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 phải được thực hiện đồng bộ trong cả nước, không có cơ chế đặc thù riêng cho vùng, miền nào cả.