Thanh Hóa: Giải thể, sáp nhập nhiều trường THPT trong năm học mới

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa ngày 8/9 cho biết, trong năm học 2019 - 2020 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện giải thể, sáp nhập tám trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Trường THPT Trần Ân Chiêm thuộc diện giải thể, sáp nhập. Ảnh: dantri.com.vn

Các trường thuộc diện giải thể, sáp nhập năm học này gồm: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), Trường THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), Trường THPT Trần Phú (Nga Sơn), Trường THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), Trường THPT Lê Viết Tạo, Trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa), Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương).

Ông Hoàng Ngọc Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, nêu rõ: Trong năm học 2018-2019 tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện giải thể, sáp nhập năm trường THPT, gồm: Trường THPT Đinh Chương Dương, Trường THPT Lê Văn Linh, Trường THPT Triệu Sơn 6, Trường THPT Trần Khát Chân và Trường THPT Tĩnh Gia 5. Lý do giải thể là các trường THPT nói trên có vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh; việc giải thể các trường THPT đó là nhằm tập trung đầu mối, nguồn lực cho hoạt động giáo dục phổ thông. Việc giải thể, sáp nhập cũng để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đề án sắp xếp các trường THPT công lập hiện có của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính; điều chuyển, bố trí học sinh của các trường THPT giải thể nêu trên đến các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện việc điều chuyển, bàn giao tài chính, tài sản, trụ sở của các trường THPT bị giải thể theo quy định hiện hành.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 100 trường THPT công lập. Tuy nhiên, hệ thống trường THPT công lập đang tồn tại nhiều bất cập, như: một số trường có quy mô nhỏ; nhiều trường có vị trí địa lý quá gần nhau; một số trường thiếu cơ sở vật chất, phải học nhờ cơ sở giáo dục khác; đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ... Thực trạng trên đòi hỏi phải sắp xếp lại các trường THPT công lập để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 12 trường THPT so với hiện tại. Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm mỗi huyện có ít nhất một trường THPT với quy mô không quá 45 lớp; sắp xếp lại các trường THPT quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp, hoặc có vị trí địa lý không phù hợp. Đối với khu vực miền núi, nếu các trường THPT có quy hoạch phù hợp nhưng quy mô nhỏ thì ghép thêm trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã thành trường phổ thông nhiều cấp học. Phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường THPT thuộc diện giải thể, sáp nhập được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Khiếu Tư (TTXVN)
Tháo gỡ bất cập sau sáp nhập các trường phổ thông ở Thái Bình
Tháo gỡ bất cập sau sáp nhập các trường phổ thông ở Thái Bình

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, năm 2018, tỉnh Thái Bình đã từng bước triển khai sáp nhập các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN