Thanh Hóa quyết định chi hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên hợp đồng

Ngày 25/11, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin: Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt kinh phí hơn 37 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương chi trả cho giáo viên lao động hợp đồng (đợt 2 năm 2024).

Chú thích ảnh
Lớp học tại Trường tiểu học Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Nguyễn Nam/TTXVN

Đây là nguồn kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2024 (bổ sung giáo viên theo chỉ tiêu biên chế tỉnh giao; tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; xử lý giáo viên dôi dư và một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách giáo dục khác).

Theo Quyết định, Sở Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và cơ quan chức năng về tính chính xác, pháp lý số liệu báo cáo và việc đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, định mức theo đúng quy định; phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các thủ tục nghiệp vụ cấp kinh phí cho các địa phương đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định...

Ở các huyện miền núi Thanh Hóa đang có thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng, trong khi đó kinh phí hỗ trợ cho giáo viên gặp nhiều khó khăn khiến một số trường ở khu vực miền núi phải tạm dừng một số môn học như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học... Trước tình hình trên, các địa phương đã kịp thời có giải pháp bố trí cho giáo viên dạy liên trường, tăng tiết, tăng giờ...; đồng thời, tiếp tục có phương án tuyển dụng giáo viên, để đảm bảo chương trình năm học theo quy định.

Đơn cử, ở huyện Lang Chánh hiện có ít nhất 5 trường tạm dừng học môn Tin học và Tiếng Anh. Năm học 2024 - 2025, toàn huyện còn thiếu 92 biên chế so với số lượng tỉnh giao. Cụ thể, ở khối tiểu học thiếu giáo viên. Trong đó, thiếu nhiều nhất là Trường Tiểu học Yên Thắng - 8 giáo viên; các Trường Tiểu học Giao Thiện, Trí Nang mỗi trường thiếu 6 giáo viên; Tân Phúc thiếu 5 giáo viên. Khối trung học cơ sở thiếu 22 giáo viên, trong đó Trường Lâm Phú thiếu 6 giáo viên; Yên Thắng thiếu 5 giáo viên; Thị trấn Lang Chánh thiếu 5 giáo viên… chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Hóa học, Địa lý.

Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2024 tỉnh giao cho huyện 58 chỉ tiêu ký hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ. Đến tháng 5/2024, huyện đã tổ chức tuyển, tuy nhiên chỉ được 25 giáo viên. Cuối tháng 9/, phòng Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch huyện cho chủ trương hợp đồng giao khoán công việc đối với giáo viên còn thiếu theo biên chế là 92 người nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học…

Khiếu Tư (TTXVN)
Giáo viên hợp đồng mòn mỏi chờ biên chế   
Giáo viên hợp đồng mòn mỏi chờ biên chế   

Nghệ An là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với khoảng 6.000 giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN