Thầy Đặng Hoài Ngọc xây dựng phần mềm PMIS. |
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chuyên ngành toán, nhưng thầy Ngọc rất đam mê tin học. Vì vậy thầy đã tìm tòi học hỏi để nâng cao kiến thức và cài đặt thành công phần mềm quản lý được thực hiện trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang. Đây không phải lần đầu tiên thầy Ngọc vinh dự được tặng thưởng bằng Lao động sáng tạo, năm 2013 với sáng kiến lập phần mềm quản lý văn bằng chứng chỉ trong ngành, thầy Ngọc cũng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo.
Theo thầy Đặng Hoài Ngọc, phần mềm PMIS là một sản phẩm thuộc Dự án SREM được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục quản lý, sử dụng từ năm 2012. Cho đến nay, phần mềm PMIS đã được ứng dụng tại các cơ sở giáo dục và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ tại các đơn vị. Phần mềm PMIS đã và đang có nhiều thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung, được đánh giá là cần thiết và hữu ích đối với công tác quản lý nhân sự tại các sở giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, khi triển khai đến các cơ sở giáo dục đào tạo để thực hiện cập nhật, báo cáo dữ liệu tổng hợp theo từng cấp lại gặp nhiều khó khăn, như việc cài đặt phần mềm PMIS trên máy cá nhân thường khó khăn do nhiều máy tính có cấu hình khác nhau, phần lớn người sử dụng ít có kiến thức về cài đặt chương trình. Thêm vào đó, qua một thời gian, máy tính có thể bị hư do virus, chương trình cài đặt bị xung đột với các phần mềm khác nên không chạy; dữ liệu phân tán, các máy phải cài đặt phần mềm và hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server, định kỳ phải trích xuất dữ liệu gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiến hành ghép nối.
Việc tổng hợp từ cấp dưới lên cấp trên phải trải qua một quy trình gồm: Cập nhật dữ liệu của công chức viên chức và người lao động của đơn vị - kết xuất dữ liệu - báo cáo cấp trên - kiểm tra - đối chiếu - cập nhật dữ liệu lại (nếu sai)... Theo đó, thời gian thu thập dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo diễn ra dài, khi dữ liệu chuyển đến cấp quản lý thì dữ liệu cấp cơ sở có thể đã thay đổi, bổ sung, từ đó việc thống kê và đưa ra các kế hoạch không đúng và không khả thi.
Trong quá trình thực hiện phần mềm quản lý công chức, viên chức và người lao động, thầy Ngọc đã nghiên cứu tài liệu và xây dựng thành công giải pháp quản lý thông tin công chức, viên chức, người lao động bằng phần mềm PMIS theo mô hình máy chủ cơ sở dữ liệu tập trung, qua đó việc thu thập dữ liệu công chức, viên chức ngành giáo dục đào tạo khắc phục các nhược điểm trên và phát huy những ưu điểm.
Chương trình PMIS chạy trên máy tính cá nhân không cần tiến hành thao tác cài đặt cơ sở dữ liệu, tạo môi trường làm việc hiệu quả, bảo mật cho người nhập dữ liệu thông qua kết nối mạng và phân quyền cho từng cơ sở giáo dục đào tạo. Cơ sở dữ liệu khi cập nhật trên chương trình sẽ ngay lập tức được chuyển tập trung về máy chủ và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu chung toàn ngành.
Theo đó, nếu máy tính cá nhân của cơ sở bị hư hỏng hoặc mất thì thông tin đã nhập vẫn tồn tại trên máy chủ tại cơ quan quản lý và có thể truy cập thông qua chương trình từ một máy vi tính khác. Do sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung và thu thập dữ liệu trong thời gian thực nên dữ liệu luôn luôn mới.
Trong một thời gian ngắn, sở giáo dục và đào tạo hoặc phòng giáo dục có thể yêu cầu các đơn vị trực thuộc hoàn tất công tác nhập liệu và thực hiện báo cáo thống kê trên dữ liệu mới nhất đã được cập nhật. Lãnh đạo sở, phòng giáo dục và đào tạo có thể ngay lập tức truy xuất được thông tin của công chức, viên chức, người lao động trực thuộc đơn vị quản lý để phục vụ công việc quản lý, điều hành nhanh chóng và kịp thời.
Giải pháp quản lý thông tin công chức, viên chức, người lao động bằng phần mềm PMIS theo mô hình máy chủ cơ sở dữ liệu tập trung của thầy Đặng Hoài Ngọc đã được thực hiện thành công tại các cơ sở giáo dục huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, khi áp dụng giải pháp nêu trên đã làm lợi trên 760 triệu đồng cho ngành Giáo dục và đào tạo huyện An Minh so với phương án không trang bị mới máy vi tính cho các đơn vị mà chỉ nâng cấp phần cứng. Nếu cộng chung ở 4 huyện, thị, thành phố đã triển khai thì phần mềm sáng kiến của thầy Ngọc đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, sáng kiến này còn tiết kiệm được ngày công của cán bộ làm công tác cập nhật dữ liệu.