Theo đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay, thành phố có 97.999 thí sinh dự thi, là địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện; đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh, an toàn tại các điểm thi.
Là địa phương gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực hoàn tất chương trình năm học theo đúng kế hoạch. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, Ban Chỉ đạo thi cấp thành phố đã được thành lập, họp và thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất trong mùa mưa bão và đảm bảo an toàn giao thông, giao lãnh đạo quận, huyện giám sát. Công tác hướng dẫn hơn 86.000 thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến được triển khai thuận tiện. Đánh giá cao tính nhân văn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể dự thi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, trong mấy tuần qua, học sinh thành phố thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, không có em nào trong thời gian gần đây mắc COVID-19.
Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các tỉnh, thành phố đều đã chủ động, linh hoạt trong công tác dạy học, ôn tập, thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án dự phòng, tập huấn cán bộ, phổ biến quy chế thi cho thí sinh…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ càng, chủ động của các địa phương, đồng thời, lưu ý 8 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với mục tiêu là đánh giá kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả đó làm căn cứ xét tốt nghiệp, cũng như điều chỉnh kế hoạch dạy học và là căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó, Kỳ thi đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo các địa phương.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đầy đủ các văn bản từ quy chế đến hướng dẫn kỹ càng, cùng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. UBND các tỉnh, thành phố cần có chỉ thị về công tác thi nhằm huy động tất cả các lực lượng, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn.
Thứ ba, vấn đề lựa chọn nhân sự tham gia công tác thi cần thực hiện chặt chẽ, nhất là một số vị trí quan trọng, đề nghị ngành Công an phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để lựa chọn đúng người, giao đúng việc.
Thứ tư, cần làm tốt công tác tập huấn, quán triệt thông tin quy chế thi, trách nhiệm, vai trò từng vị trí tới cán bộ, giáo viên tham gia làm công tác thi.
Thứ năm, các địa phương kiểm tra, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định, nhất là với phòng in sao đề, chấm thi… và hệ thống phá sóng đảm bảo an ninh, an toàn. Những địa điểm gần nhà dân cần thận trọng trong quá trình triển khai.
Thứ sáu, các địa phương có những biện pháp, phương án phòng, chống dịch tốt nhất, đặc biệt trong 3 ngày thi.
Thứ bảy, công tác thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường, cố gắng tăng kỷ cương, kỷ luật, giảm vi phạm, ngăn chặn, phòng ngừa là chính.
Nhấn mạnh về lỗi vi phạm của thí sinh trong kỳ thi các năm trước, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, đa số do các em mang điện thoại di động vào phòng thi, các giám thị cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần để thí sinh kiểm tra kỹ, không để phạm lỗi này dù cố tình hay vô tình. Cuối cùng, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chế độ báo cáo khi có vấn đề bất thường, cần báo cáo sớm về Bộ Giáo dục và Đào tạo để nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời.