Sau 3 năm thực hiện, nhiều trường đã xây dựng được các dịch vụ, cơ chế hỗ trợ tâm lý và bảo vệ học sinh. Hơn thế nữa, khi tham gia dự án, các giáo viên, phụ huynh đã thay đổi cách suy nghĩ và có hành vi ứng xử đúng mực hơn với học sinh.
Thay đổi suy nghĩ và hành vi ứng xử Tiết học Lịch sử của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 5, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Trước đây, nhiều giáo viên quan niệm muốn học sinh "nên người" cần phải nghiêm khắc. Thế nhưng khi tham gia vào dự án “Trường học thân thiện - Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương", nhiều giáo viên đã nhận ra rằng “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Cô Lâm Minh Trang, Hiệu phó Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) chia sẻ: Có những thầy cô nghiêm khắc đúng mực nhưng cũng có những thầy cô nghiêm khắc quá mức thành khắc nghiệt, coi trừng phạt là biện pháp giáo dục chủ yếu. Có những lớp học, thầy cô nghiêm khắc, lớp của họ rất nề nếp, chất lượng học tập cũng tốt. Tuy nhiên, mặt trái của việc nghiêm khắc quá là học sinh lúc nào cũng sợ giáo viên, dẫn đến thụ động, không phát huy được tính sáng tạo trong học tập. Nhiều học sinh rất sợ giáo viên, vì sợ quá, có em không học nổi.
Theo cô Lâm Minh Trang, khi được tập huấn về quyền trẻ em, kỷ luật tích cực, các thầy cô không ngay lập tức tiếp nhận quan điểm: trẻ em là một thực thể với đầy đủ những quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ và cần được tôn trọng. Qua thời gian, các thầy cô dần nhận ra lợi ích của việc áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực như khen, nhắc nhở,…thay vì trách phạt. Qua đó, hành vi của học sinh đã được thay đổi. Từ chỗ ngang bướng, ngỗ nghịch, dần dần các em biết nhận lỗi, biết kiềm chế tốt hơn. Quan trọng hơn là các em đã mở lòng ra với bạn bè, với thầy cô.
Cũng như ở Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, hầu hết giáo viên ở các trường đang triển khai dự án này đều có sự thay đổi quan điểm về cách dạy học sinh. Mối quan hệ giữa thày, trò trở nên thân thiện hơn. Học sinh được tham gia vào quá trình giảng dạy của giáo viên và giáo viên biết quan tâm, lắng nghe ý kiến học sinh.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Thay đổi mối quan hệ trên giữa người lớn với trẻ em dựa trên quyền trẻ em không chỉ là thách thức đối với người Á Đông mà đối với người phương Tây cũng không hề đơn giản. Vì vậy, những mô hình giáo dục trong trường có mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên với học sinh như vậy sẽ tạo ra chất lượng giáo dục bền vững, qua đó sẽ giúp đổi mới nền giáo dục một cách toàn diện, cơ bản.
Ngăn chặn những vi phạm Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) tham quan vườn rau sạch ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo các chuyên gia, thực chất của dự án "Xây dựng trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương" là tạo dựng mô hình bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả trong trường học và tạo ra sự liên kết giữa trường học và cộng đồng để bảo vệ trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phí, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi cho biết: Điều mà những người thực hiện dự án đạt được là đã xây dựng được nhóm trẻ em nòng cốt ngay trong trường học. Nhóm nòng cốt này đã giúp các thầy cô phát hiện được những bạn có nguy cơ bị tổn thương. Từ đó, thầy cô cùng chính quyền địa phương có những quan tâm, hỗ trợ các em kịp thời. Từ những thông tin mà các em cung cấp, nhà trường và gia đình đã ngăn chặn rất nhiều trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp), thông qua đội nòng cốt, nhà trường đã phát hiện nhiều học sinh có liên quan đến những tệ nạn xã hội, kịp thời báo phụ huynh, kết hợp với chính quyền địa phương để xử lý. Trường hợp khác khi biết có bạn bị hăm dọa đánh đập trên facebook, đội nòng cốt đã báo cho giáo viên nhà trường biết. Ngay lập tức nhà trường đã làm việc với những em có ý định tổ chức đánh bạn sau giờ học. Nhờ vậy, bạo lực học đường đã được ngăn chặn.
Dự kiến, giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2019 sẽ có 50 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở tại 4 quận, huyện: Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Gò Vấp tham gia dự án. Các hoạt động của giai đoạn hai của dự án sẽ đi sâu hơn nữa vào can thiệp đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Dự án sẽ đảm bảo để những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ nhập cư được tiếp cận một nền giáo dục chính quy có chất lượng cũng như xóa bỏ các hình thức trừng phạt thân thể và bạo lực trẻ em tại trường và cộng đồng.