Luật có - nhưng khó hướng dẫn
Một thời gian dài, hệ cao đẳng và trung cấp, trong hệ thống giáo dục Việt Nam có hai hình thức: Trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục Đào tạo (GD - ĐT) quản lý và trung cấp, cao đẳng nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quản lý. Theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, hai trình độ này sẽ phải sáp nhập làm một. Vấn đề đặt ra là khi sáp nhập, Bộ nào sẽ quản lý lĩnh vực dạy nghề? Và đến nay, sau gần một năm, do chưa phân định được nên nhiều khâu triển khai vẫn “treo”.
Dạy nghề gắn với thị trường lao động. Ảnh: Xuân Cường |
Cụ thể, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc đào tạo với hệ cao đẳng, trung cấp sẽ dựa trên “chuẩn đầu ra” do Tổng cục Dạy nghề ban hành. Đến nay, sau hơn 1 năm nhưng “chuẩn đầu ra” vẫn chưa được ban hành. “Do đó các trường vẫn dạy theo các khung trình độ trước đây và tự xây dựng chương trình hướng theo nhu cầu thực tế thị trường”, đại diện trường Cao đẳng nghề du lịch Hải Phòng cho biết.
“Bộ LĐTBXH đã phải ra công văn hướng dẫn rằng trong khi chờ văn bản hướng dẫn tổ chức, quản lý đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì đối với các ngành, nghề chưa xây dựng được chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ tùy theo từng trường để đào tạo theo Luật Dạy nghề (luật cũ). Điều này dẫn đến sự lo ngại về chất lượng đào tạo, chứng chỉ khi hội nhập quốc tế.
Không chỉ khó trong việc xây dựng nội dung đào tạo, việc chưa có hướng dẫn cụ thể cũng gây vướng cho nhiều ngành nghề trong tuyển sinh. Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút người học, đơn cử như miễn 100% học phí với nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có yêu cầu; những nghề đặc thù. “Nhưng văn bản quy định hướng dẫn những nghề đặc thù, nghề khó tuyển sinh thì vẫn chưa có để trường có thể tư vấn cho học sinh và cũng khó cho cả nhà trường tuyển sinh, đào tạo”, đại diện một trường nghề cho biết.
Cũng do chưa thống nhất được Bộ quản lý về hệ cao đẳng, trung cấp nên việc Bộ GD - ĐT đưa ra quy định ngưng tuyển sinh, tuyển dụng với trung cấp y bị các chuyên gia cho rằng chưa đúng với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Điều này khiến các trường trung cấp y sắp tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh, nhiều trường có thể phải giải thể hoặc đồng loạt nâng cấp lên cao đẳng.
Cần sự thống nhất
Trong xu thế học nghề ngày càng nhiều, thì cần sớm có quyết định cuối cùng phân định Bộ chủ quản về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nếu không có quyết định sớm sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng dạy nghề không đạt hiệu quả, hoạt động dạy nghề đình trệ.
Đại diện nhiều trường dạy nghề cho rằng, hệ cao đẳng, trung cấp nên để Bộ LĐTBXH quản lý sẽ hiệu quả hơn. Theo ông Phạm Văn Đức, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, từ thực tế đào tạo của trường trong 10 năm gần đây, việc đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động, điều chỉnh các nghề theo cung - cầu lao động, vì vậy nên để Bộ LĐTBXH quản lý.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, 18 năm qua, kể từ khi tái lập thuộc Bộ LĐTBXH, công tác dạy nghề đã được phục hồi và có bước phát triển. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy có 80 - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, trong đó có 30% học sinh sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng nghề từ khá trở lên.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học cho biết: “Bộ GD - ĐT đã có tờ trình tới Chính phủ nêu lên sự song trùng quản lý giáo dục và đào tạo giữa Bộ LĐTBXH và Bộ GD - ĐT gây ra những bất cập về quản lý. Theo sự phân công hiện tại, Bộ GD - ĐT quản lý nhà nước từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học; Bộ LĐTBXH quản lý hai bậc học giữa (trung cấp nghề và cao đẳng nghề).
Việc trùng lặp quản lý tồn tại do một số trường đại học do Bộ GD - ĐT quản lý nhà nước cũng tổ chức đào tạo nghề với quy mô lớn khoảng 7.000 người, nhưng do ngành lao động quản lý chỉ tiêu, Bộ GD - ĐT không thể can thiệp vào được để kiểm soát chất lượng thông qua kiểm soát quy mô đào tạo. Các khóa bồi dưỡng nghề ngắn hạn cấp chứng chỉ có thể do các bộ, ngành, tổ chức khác quản lý. Vì vậy cần đặt công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong một hệ thống giáo dục thống nhất, chuẩn hóa, giảm bớt đầu mối quản lý, tạo điều kiện dễ dàng cho hội nhập quốc tế, thúc đẩy phân luồng và liên thông.
Bộ nào cũng có cái lý của mình, nhưng quyết định cuối cùng sẽ là của chính phủ. Mong rằng sẽ sớm có quyết định, để lĩnh vực dạy nghề không còn “trôi nổi” như thời gian qua.