PGS. TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp

Để hình thành nên một cây bút giỏi về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, thì công tác đào tạo và định hướng cho các nhà báo tương lai tại nhà trường đóng một vai trò quan trọng. PGS. TS Lưu Văn An (ảnh), Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.

Thưa PGS. TS Lưu Văn An, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sa sút về mặt đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận nhà báo hiện nay, là do những hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo từ các cơ sở đào tạo báo chí. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?



Những hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do tiền bạc chi phối, do áp lực của cấp trên, của người thân, do non kém về chuyên môn, do thiếu kinh nghiệm, do vô ý, do thiếu thông tin... Trong đó có nguyên nhân chưa được học tập, nghiên cứu kỹ về đạo đức báo chí. Đây là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, giữa lý thuyết và thực tế có khoảng cách khá xa. Không ít người biết là mình làm sai, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn làm, giống như biết là mình phạm luật nhưng vẫn cố tình làm.

Ngoài việc học ở trường, bản thân mỗi nhà báo phải luôn ý thức trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: TTXVN

Đa số nhà báo được giáo dục về đạo đức báo chí, nhưng khi ra trường, tác nghiệp vẫn vi phạm, do thực tiễn công việc tác động chứ không phải là không biết. Nói tóm lại, việc coi trọng học tập đạo đức nghề nghiệp là bắt buộc và tiếp tục được đề cao, nhưng đó chỉ là một trong số nhiều giải pháp phải tiến hành đồng bộ, nhất là phải đổi mới công tác quản lý báo chí, đạo đức gắn liền với pháp luật. Có cơ chế xử phạt (về pháp luật, về hành chính) nghiêm khắc đối với các hành vi xấu đó thì mới có tác dụng răn đe, cảnh báo các hành động tương tự có thể sẽ xảy ra.


Hiện nay, công tác đào tạo và định hướng đạo đức nghề cho các nhà báo tương lai của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Là một cơ sở đào tạo báo chí lớn của cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất chú trọng môn Đạo đức nhà báo. Đây là môn học bắt buộc, cũng như môn Pháp luật báo chí. Môn này thường do các thầy cô có kinh nghiệm, tâm huyết nghề nghiệp giảng dạy. Nhà trường cũng chỉ đạo biên dịch một số tài liệu nước ngoài làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. Vì là trường Đảng, nét đặc thù của học viện là rất chú trọng nghiên cứu và rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, đề cao ý thức chính trị và trách nhiệm xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề đạo đức báo chí đang bị vi phạm nghiêm trọng, nhà trường sẽ chú trọng hơn trong giảng dạy môn học này, đổi mới phương pháp để sinh viên dễ hiểu và ý thức sâu sắc về hậu quả của việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp.


Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cạnh tranh thông tin và tác động mặt trái của xã hội, theo ông cần có giải pháp gì để giữ được đạo đức trong sáng của nghề làm báo?

Trong bối cảnh hiện nay, để giữ được cái tâm của nghề, cần có nhiều giải pháp, từ cơ sở đào tạo, cơ quan tuyển dụng, đến môi trường xã hội, nhưng yếu tố chủ quan của chính nhà báo vẫn là quan trọng nhất. Nếu họ vượt qua được những cám dỗ của tiền bạc, danh vọng... thì sẽ giữ được phẩm chất của nhà báo chân chính. Cho nên đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, mọi tổ chức, cá nhân nhận rõ trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì sẽ có sản phẩm chất lượng cao.

Đào tạo tốt thì được cán bộ tốt, nhưng cuộc sống vốn phức tạp, nếu không vững vàng sẽ bị sa ngã, biến chất. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp chất lượng cũng không giống nhau. Không hiếm trường hợp khi là sinh viên thì học rất bình thường, nhưng ra làm việc lại giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội, và có sinh viên giỏi nhưng không thể trở thành nhà báo giỏi. Trong số hàng trăm sinh viên tốt nghiệp, được vài chục em làm nghề giỏi, được xã hội công nhận cũng là thành công rồi.

Có nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên bản lĩnh, ý chí phấn đấu của nhà báo vẫn là quyết định. Tất nhiên, mọi tổ chức cũng phải có trách nhiệm xã hội khi thực hiện chức năng: Trường đại học phải chú trọng rèn nghề và rèn đức, để sinh viên ngay khi ngồi ghế nhà trường đã ý thức được việc đó, hình thành tư duy tích cực, phòng tránh những cám dỗ, những hiện tượng tiêu cực sẽ tác động sau này. Cơ quan báo chí phải tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà báo, quản lý họ không chỉ về số lượng mà phải chú trọng chất lượng công việc, tăng cường kiểm tra độ tin cậy của các thông tin, thường xuyên phê bình, nhắc nhở nhũng người vi phạm, cảnh báo những người có xu hướng chạy theo đồng tiền, đưa tin sai sự thật. Và có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh đối với cán bộ của cơ quan mình, tạo điều kiện cho họ làm việc đúng, khách quan, từ đó nâng cao uy tín của đài, báo mình.

Các cơ quan quản lý trực tiếp và gián tiếp cũng phải tăng cường công tác giám sát các nhà báo. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng cơ chế để lãnh đạo, định hướng, quản lý báo chí, không để hiện tượng chạy theo thị hiếu của một bộ phận xã hội, để bị mua chuộc mà bóp méo sự thật, trở thành công cụ cho lợi ích nhóm, không để thị trường chi phối mà xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Cuộc cạnh tranh thông tin báo chí hiện nay quyết liệt hơn bao giờ hết, nhưng cần hiểu rằng, công chúng ngày càng thông minh hơn, họ sẽ nhận ra đâu là giả - thật, đâu là đúng - sai. Nếu cơ quan báo chí nhiều lần vi phạm đạo đức nghề nghiệp tất yếu sẽ bị tẩy chay và sẽ không thể tồn tại. Cho nên, để nhà báo không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cần thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị, kiến thức xã hội. Đồng thời đổi mới công tác quản lý báo chí, để nhà báo không thể và không dám vi phạm.

Muốn vậy, trước hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí (Tổng biên tập, Ban biên tập...) phải gương mẫu, phải có uy tín về chuyên môn và nhân cách, thì mới tạo ra được môi trường làm việc trong sạch. Nhà báo có điều kiện tốt để rèn luyện và phấn đấu vươn lên, lấy lại niềm tin của công chúng, để báo chí thực sự trở thành diễn đàn ca ngợi, biểu dương cái tốt, tiến bộ, là vũ khí đấu tranh chống cái ác, cái tiêu cực. Qua đó, báo chí góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, dân chủ, cái tốt được tôn vinh, cái xấu bị phê phán và dần dần bị lọai trừ khỏi đời sống xã hội chúng ta.

Xin cảm ơn ông!
Việt Hoàng (thực hiện)
Sôi nổi ngày hội gia đình Báo chí tại TP.HCM
Sôi nổi ngày hội gia đình Báo chí tại TP.HCM

Sáng ngày 18/6, nhân kỉ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Sở thông tin truyền thông TP. Hồ Chí Minh, trung tâm vui chơi Vietopia đã phối hợp với Công ty Thông tin Trường Phát, Tập đoàn Number 1 tổ chức khai mạc ngày hội “Gia đình báo chí Việt Nam” lần 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN