Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong những năm gần đây đã góp phần giúp các trường đại học Việt Nam nhận ra điểm mạnh, điểm tồn tại để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng. Đồng thời, thúc đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, một nhiệm vụ cốt lõi của đổi mới quản trị đại học theo hướng năng động và hiệu quả.
Thay đổi mạnh sau kiểm định chất lượng
Đánh giá tổng quan về sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hiện nay, cả nước có 236 trường đại học, học viện và 41 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Số sinh viên học trong các trường đại học công lập là hơn 1,4 triệu, chiếm 84%; số sinh viên ngoài công lập là hơn 267.000, chiếm 16%. Số lượng giảng viên đại học tăng nhanh trong thời gian qua, trong đó, số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ cũng tăng lên.
Văn hóa chất lượng bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục đại học. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã được chú trọng, xếp hạng quốc tế được cải thiện. Đổi mới, đẩy mạnh tự chủ đại học bước đầu thu được kết quả tích cực.
Cụ thể, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam (theo cơ sở dữ liệu Web of Science) tăng 2,5 lần, so sánh năm 2016 với năm 2011. Công bố quốc tế tăng nên xếp hạng đại học của Việt Nam cũng được cải thiện. Việt Nam đã có 2 đại học nằm trong top 1000 của thế giới; 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 350 châu Á (theo xếp hạng QS - QS World University Rankings).
Về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, đến tháng 8/2018, Việt Nam đã có 217 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 123 trường được đánh giá ngoài, 117 trường được công nhận đạt chất lượng kiểm định. Có 5 trường đại học của Việt Nam đạt kiểm định của Tổ chức quốc tế HCERES; 2 trường đạt kiểm định bởi AUN-QA (Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học đông Nam Á). Về kiểm định chương trình đào tạo, có 10 chương trình được công nhận đạt kiểm định theo chuẩn Việt Nam; 116 chương trình được kiểm định theo chuẩn quốc tế…
Phân tích kết quả kiểm định của 117 trường đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long chia sẻ: Việc kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo bước chuyển biến tích cực và thay đổi mạnh mẽ đối với các trường đại học. Nhiều trường đại học đã cam kết, thực hiện cải thiện chất lượng sau đánh giá. Kiểm định chất lượng giáo dục đã từng bước tạo được niềm tin của xã hội đối với nhà trường.
Từ tháng 1/2016 đến ngày 31/5/2018, có 117 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố trên cổng thông tin điện tử của 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam. Cụ thể, trong số 61 tiêu chí đánh giá chất lượng, có 9 tiêu chí mà 100% các cơ sở giáo dục đại học đều đạt, bao gồm xác định sứ mạng của trường đại học; các hoạt động của tổ chức đảng và tổ chức đoàn thể; đảm bảo các quyền dân chủ trong trường đại học cho cán bộ, giảng viên; một số tiêu chí về chăm sóc sinh viên; các hoạt động hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, trong số 117 trường có tới 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí chưa đạt, chiếm 83,76%. Đây là con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những nội dung yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam.
Ông Bành Tiến Long cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại chủ yếu mà các trường đại học cần tập trung cải thiện. Cụ thể, về quản trị đại học và tổ chức quản lý trường đại học, có 36% trường đại học được đánh giá chưa có cơ cấu tự chủ đáp ứng các quy định của Điều lệ trường đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Có 34% trường chưa đáp ứng được các yêu cầu về chiến lược – kế hoạch phát triển và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch.
Về chương trình đào tạo, có 15,4% trường đại học được đánh giá chưa thiết kế theo quy định đối với các chương trình đào tạo thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo đối với các chương trình; có 65% trường chưa thực hiện định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và cải tiến chất lượng...
Về đội ngũ giảng viên, 55% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ trung bình sinh viên/giáo viên của một số ngành đào tạo quá cao (có chương trình khoảng 60 sinh viên/giảng viên). Đặc biệt, có 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định, một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo.
Về nghiên cứu khoa học, điểm tồn tại lớn nhất là các trường đại học có nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch (49% trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này). Hơn nữa, tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài còn yếu, thể hiện ở nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ còn thấp (78% cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tiêu chí về chuyển giao khoa học công nghệ).
Ông Bành Tiến Long nhấn mạnh: Việc xác định đúng các tiêu chí tự chủ, mức độ tự chủ, trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng và thực tiễn quản trị đại học là căn cứ quan trọng để đưa ra những đề xuất phù hợp và khả thi cho đổi mới quản trị giáo dục đại học Việt Nam.
Cần tiếp tục đổi mới quản trị đại học
Từ thực trạng giáo dục đại học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học có rất nhiều việc phải làm. Có việc phải làm ngay, giải quyết những vấn đề trước mắt; có việc phải khắc phục vấn đề do lịch sử để lại...
Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn bỏ chế độ chủ quản đối với các trường đại học thì Hội đồng trường phải mạnh, đặc biệt ở các trường công lập. Hội đồng trường phải là thiết chế quyết định những vấn đề lớn chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ lớn của nhà trường; trong đó, có vấn đề về học thuật, mở ngành, quy mô, tài chính và giám sát…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý tự chủ không có nghĩa là cắt ngân sách nhà nước mà ngân sách sẽ cấp theo hướng chuyển từ cấp phát sang giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Với những nguồn nhân lực mà Chính phủ cần, Chính phủ sẽ tính toán định mức và đặt hàng, đặc biệt ngành khoa học xã hội, khoa học cơ bản, nghệ thuật… Đối với nhân lực khác theo phân khúc thị trường và doanh nghiệp cần thì các trường đại học cần tự tính toán… Nhà nước cấp tiền không phải theo đề án, dự án mà cấp theo kết quả đầu ra, theo định hướng đầu tư của Chính phủ.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo rất mạnh việc thành lập Hội đồng trường, từ các thành viên của Hội đồng trường đến Chủ tịch Hội đồng trường phải xứng đáng theo yêu cầu, không phải cơ cấu...; phải quan tâm đến trách nhiệm giải trình. Bởi khi trách nhiệm giải trình chưa thực sự minh bạch thì tự chủ không thực hiện được
Ông Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: Bài học thành công của giáo dục đại học trên thế giới cho thấy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì phải đổi mới quản lý giáo dục đại học. Điều này phải bắt đầu từ hệ thống quản trị nhà trường: Bộ máy quản trị là hội đồng trường, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng trường, bộ máy quản lý đứng đầu là Hiệu trưởng. Muốn vậy, việc thành lập hội đồng trường trong các trường đại học Việt Nam phải là tất yếu, là khâu đột phá trong triển khai tự chủ đại học.
Đề cập tới việc tăng cường quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải có đội ngũ giáo viên giỏi, sinh viên giỏi. Các cơ sở giáo dục đại học phải có năng lực quản trị giỏi theo hướng tự chủ.
Ngân sách cho giáo dục đại học từ nguồn của Nhà nước, nguồn tài chính của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước phải đủ mạnh. Tài chính của cơ sở đại học tự chủ không phải từ nguồn học phí trong đào tạo mà còn từ nguồn nghiên cứu khoa học, dịch vụ và nguồn tài trợ của tổ chức trong và ngoài nước.
Bộ máy quản trị tài chính của đại học phải chuyên nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. Bởi vậy, đại học công lập cần có hội đồng trường mạnh, người đứng đầu phải có chuyên môn tài chính giỏi để quản trị đại học như một doanh nghiệp lớn. Tự chủ đại học là từng đại học phải thay đổi theo hướng quản trị hiệu quả mọi nguồn lực để cạnh tranh và phát triển.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo cũng phải theo tư duy mới, nhanh hơn, hiệu quả hơn để trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Nhà nước cần có một Hội đồng giáo dục quốc gia đủ mạnh để xây dựng chiến lược, quy hoạch lại hệ thống giáo dục đại học theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực hệ thống để từng cơ sở đại học phải tự đổi mới mạnh mẽ.