Một góc thư viện hiện đại trường Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo đó, tính đến ngày 30/6/2017, đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. Cá biệt có 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng, đó là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, 24 cơ sở giáo dục đại học khác do được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4/2017 nên được miễn thẩm định.
Việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường được thực hiện bởi bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 27/3/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017. Đến ngày 30/6/2017, công tác thẩm định và xác nhận đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Kết quả thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo. Theo quy định, kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là một trong các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ, thực hiện phân tầng, xếp hạng, giao quyền tự chủ và sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục.