Tuy nhiên, tại hội thảo về tái cơ cấu ngành du lịch hôm 22/12 vừa qua, các ý kiến tham luận và phát biểu vẫn tiếp tục lặp lại những vấn đề tồn tại bấy lâu của ngành: Phát triển về lượng mà chưa tăng về chất, còn khiêm tốn so với tiềm năng, năng lực cạnh tranh chưa cải thiện, thiếu sự sáng tạo, manh mún, mạnh ai nấy làm, hạ tầng yếu kém…
Rất nhiều du khách Việt Nam khi ra nước ngoài, đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng của bạn đều có chung cảm giác “cảnh đẹp thua Việt Nam, nhưng khách vẫn đông ùn ùn”. Chẳng hạn, khu du lịch Stonehenge nổi tiếng của nước Anh chỉ xoay quanh vài chục phiến đá nằm trên bãi đất trống, quá nhỏ bé so với vịnh Hạ Long hùng vĩ với gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, thắng cảnh được du khách quốc tế thừa nhận là một kỳ quan của thế giới.
Nếu sự so sánh trên mang tính chủ quan thì các số liệu thống kê sẽ thuyết phục hơn. Năm 2016, lượng du khách nước ngoài đến Anh là 35,8 triệu lượt, gấp 3 lần con số tương ứng của Việt Nam. Giá trị kinh tế mà ngành du lịch mang lại cho nước Anh năm ngoái là 257 tỷ bảng, gấp hơn chục lần con số tương ứng của ta.
Thực tế là, sức tăng trưởng về du khách ngoại vào Việt Nam trong thời gian qua thiên về các thị trường Đông bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi ít du khách từ châu Âu, Bắc Mỹ - những đối tượng thường có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Để thu hút được du khách chất lượng thì không thể phụ thuộc vào vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh và chi phí rẻ. Các yếu tố khác cũng quan trọng không kém, thậm chí mang tính quyết định, như dịch vụ chuyên nghiệp, ẩm thực đa dạng phong phú, dịch vụ giải trí, đi lại, mua sắm thuận tiện. Thiếu vắng những sản phẩm độc đáo, đẳng cấp, ngành du lịch khó có thể thu hút được những du khách quốc tế “đẳng cấp”.
Sự phát triển ồ ạt, mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng thiếu sự liên kết giữa các địa phương làm du lịch, giữa ngành du lịch với các thành phần kinh tế khác, giữa các doanh nghiệp với nhau. Đi đâu cũng thấy những sản phẩm du lịch na ná nhau. Ở tầm quốc gia, vẫn chưa có các doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ, các chiến dịch quảng bá du lịch chưa mang lại hiệu quả tương xứng.
Nói cách khác, ngành “công nghiệp không khói” nếu vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp và có những sản phẩm chuyên biệt thì sẽ chưa thể sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng thiên về lượng, thiếu về chất như hiện nay. Những “thiên đường du lịch” được thiên nhiên ban tặng, những di sản văn hóa được thế giới công nhận, lòng mến khách của người dân mà chúng ta vẫn tự hào chưa biến thành những cỗ máy tạo lợi nhuận.
Không thể phủ nhận những thành tựu của ngành du lịch trong năm qua, một điểm rất sáng trong năm thành công chung của cả nền kinh tế. Nhưng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ là “phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Đây mới là mục tiêu cốt lõi mà ngành du lịch cần hướng tới, chứ không phải là những con số tăng trưởng về lượng qua từng năm, dù rất ấn tượng.