Tái cơ cấu ngành du lịch phải tiến hành đồng bộ

Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” đã diễn ra ngày 22/12 tại Hà Nội, thu hút đông đảo chuyên gia đầu ngành về kinh tế, du lịch, các nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.

Du khách quốc tế trải nghiệm đi cầu khỉ tại cù lao Thới Sơn (Tiền Giang). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Hội thảo do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, tạo diễn đàn thẳng thắn, cởi mở cho các đại biểu đóng góp ý kiến, giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành du lịch, sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ: Một trong những nhóm giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa du lịch Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế quốc dân.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch thực hiện 5 đề án quan trọng trong đó có đề án cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp mời các chuyên gia, tập đoàn lớn, nhà nghiên cứu để nghe ý kiến tư vấn về cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp thu ý kiến chuyên gia.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Ngành Du lịch Việt Nam đã đi được chặng đường nhưng mới chỉ là bước đầu, đã có thành tựu nhưng rõ ràng còn khiêm tốn so với tiềm năng, nguồn lực đang có và  kỳ vọng của xã hội. So sánh với các nước khác trong khu vực cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn yếu kém hơn nhiều, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, các cơ chế chính sách trong thời gian qua mới chỉ tác động cục bộ ở một số lĩnh vực chứ chưa tạo thành hệ thống toàn diện. Do đó, việc cơ cấu lại ngành Du lịch cho phù hợp là việc làm cần thiết.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết về cơ cấu lại ngành Du lịch nước nhà. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: Tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan, như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng trong đó xác định nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện.

Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp, đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành. Sản phẩm phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao như châu Âu.

Hiện nay, thị trường khách quốc tế thiếu cân đối chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á (55%) và Đông Nam Á chiếm 16%, riêng khách Trung Quốc đã chiếm hơn 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi đó những thị trường xa, chi tiêu cao chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, du lịch Việt Nam phải có sản phẩm du lịch có khả năng tái cơ cấu lại tỷ trọng cơ cấu trong thị trường khách theo hướng tăng dần tỷ trọng khách các thị trường xa, chi tiêu cao để giảm rủi ro của việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…

Tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng: Tái cơ cấu ngành Du lịch nước nhà nhất thiết phải cải thiện chính sách visa bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, visa qua mạng (online), đơn giản hóa thủ tục xin, duyệt cấp visa tại cả khẩu…

Tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết: Năm 2017, khả năng cao là ngành Du lịch sẽ hoàn thành được mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế mà Thủ tướng giao. Tổng cục Du lịch dự kiến tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 13 triệu đến Việt Nam vào thời gian tới. Cũng trong năm 2017, du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 515.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp 6,96% GDP…


Thanh Giang (TTXVN)
Tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới
Tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới

Chiều 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và một số chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch về một số nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN