Vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, thì tình trạng hàng giả, hàng nhái lại trở thành vấn đề "nóng" khi sức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh và đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái tung ra thị trường, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Cứ hàng hóa nào được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng nhái xuất hiện. Hàng giả, hàng nhái lộng hành, lâu nay người ta vẫn thường viện dẫn một số nguyên nhân, như là không ít doanh nghiệp và người dân vì lợi nhuận nên làm ăn bất chính, tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn thiếu "thông thái" nên đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái. Những con số thống kê đã cho thấy sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm ngăn chặn, bài trừ hàng giả, hàng nhái; trong đó tập trung vào nhóm hàng nổi cộm, gây bức xúc cho người tiêu dùng, như thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, hàng điện tử - điện máy, xăng dầu, mỹ phẩm.
Phải thấy rằng, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta đang diễn ra hết sức phức tạp, trở thành “vấn nạn", thách thức lực lượng thực thi công vụ, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hoạt động này diễn ra trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và những hành vi gian lận thương mại đã đặt các doanh nghiệp chân chính vào thế khó phát triển sản xuất kinh doanh, khó cạnh tranh và khó bảo vệ cho thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Không còn phải bàn cãi, sự gia tăng của hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại trước mắt, trong một thời điểm nhất định, mà nếu không được ngăn chặn kịp thời thì vấn nạn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài tới nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm khi một số hiệp định thương mại sắp có hiệu lực, thì sự gia tăng của hàng giả, hàng nhái sẽ càng làm suy yếu thương hiệu Việt, gây khó khăn, bất lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay là một bộ phận người tiêu dùng đã chấp nhận hàng giả, hàng nhái. Nhiều người biết mình đang sử dụng các loại hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý vẫn còn kẽ hở, nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái…Đây cũng là lý do khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng lũng đoạn thị trường, nhất là ở khâu phân phối, tiêu thụ.