Hà Nội vừa công bố ca bệnh COVID-19 đầu tiên và là ca thứ 17 trên toàn quốc. Đó là một cô gái 26 tuổi ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, người đã sang châu Âu thăm người thân, đi du lịch ở vùng Lombardy có dịch tại Italy. Sau khi vô tình nhiễm bệnh từ chị gái ở Pháp mà không biết, cô gái bắt đầu ho nhưng chủ quan, không đi khám.
Dù đi du lịch trong mùa dịch bệnh căng thẳng khắp nơi, dù cơ thể có biểu hiện triệu chứng bệnh, nhưng cô gái vẫn bất chấp trở về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines cùng cả trăm người khác.
Điều đáng nói là cô gái đã không khai báo tình trạng sức khỏe và lịch sử đi lại để được nhập cảnh. Mãi tới 4 ngày sau, khi đã gặp nhiều người và khi tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, cô gái mới tới bệnh viện khám và bị xác định dương tính với virus nguy hiểm.
Cô gái này khiến người ta liên tưởng tới bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc - một “tội đồ siêu lây nhiễm” mà sự chủ quan, ý thức kém của cá nhân đó đã khiến Hàn Quốc thành ổ dịch lớn chỉ sau Trung Quốc, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong xã hội, cộng đồng.
Không ai muốn mình nhiễm bệnh rồi lây ra cho nhiều người, nhưng ý thức kém và cách hành xử thiếu trách nhiệm của cô gái nói trên đang gây ra hậu quả cho toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có những thành quả được quốc tế ghi nhận trong chống dịch COVID-19. 16 ca nhiễm đã được chữa khỏi, tâm dịch Sơn Lôi vừa được dỡ bỏ phong tỏa, 22 ngày qua không có ca nhiễm mới, công tác cách ly phòng dịch được thực hiện hiệu quả.
Tới ca bệnh thứ 17, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại phải căng mình bước vào cuộc chiến nghiêm trọng hơn. Giới chức hữu quan phải lần theo hành trình của cô gái, tìm cho ra cả trăm người đã tiếp xúc với người này. Khu vực cô gái sống đã bị phong tỏa. Hàng chục người tiếp xúc gần như bác sĩ khám bệnh, thành viên gia đình… đã được cách ly.
Cuộc chiến vốn đã gian nan, nay lại càng khó khăn hơn chỉ vì ý thức của một cá nhân. Chúng ta từ chỗ chủ động trong cuộc chiến với COVID-19 nay dường như rơi vào thế bị động đột ngột vì cú “đánh úp” của bệnh nhân 17. Với kinh nghiệm chống dịch nhiều năm, chắc chắn Việt Nam sẽ giành lại thế chủ động, sẽ có cách để khống chế dịch bệnh, song cuộc chiến đó gian nan hơn và tốn công sức hơn.
Tác động tâm lý từ bệnh nhân 17 là rất lớn. Tại nơi ở của vị bác sĩ đã khám bệnh cho cô gái, nhiều người đã vội vã đi siêu thị ngay tức khắc để vét hàng tích trữ vì sợ khu vực bị phong tỏa. Ngay trong đêm qua, các cửa hàng bán khẩu trang trực tuyến đã “cháy” hàng, khiến mặt hàng này một lần nữa lại bước vào giai đoạn “điên đảo”.
Hành động chủ quan, vô ý thức của một cá nhân có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội. Trong lúc tình hình chống dịch bệnh cấp thiết, không khác gì chống “giặc”, sự chung tay, đồng lòng, góp sức của mỗi công dân với chính quyền là vô cùng cần thiết, là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành bại trong cuộc chiến với “giặc” COVID-19.
Virus vô hình. Ý thức của con người cũng vô hình. Nhưng khác với virus, ta có thể kiểm soát được ý thức của chính ta. Ta có thể dùng sức mạnh ý thức để biến thành hành động hữu hình trong cuộc chiến chống virus. Đó là gì? Là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, là rửa tay để phòng chống virus, là tránh tụ tập nơi đông người… Là đừng đổ xô mua hàng tích trữ vì sẽ gây lũng đoạn thị trường và làm khó thêm cho cơ quan quản lý. Đó là gì? Là khai báo hành trình đi lại, khai báo y tế trung thực nếu từ nước ngoài về. Là tuân thủ yêu cầu cách ly dù là tại nhà hay tại nơi tập trung nếu bản thân có yếu tố nguy cơ. Những hành động cụ thể đó sẽ bảo vệ chính chúng ta, gia đình chúng ta, xã hội chúng ta đang sống.
Việt Nam đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc từ sáng 7/3. Quy định là vậy, nhưng nếu mỗi cá nhân không có ý thức thì chẳng ai có thể biết ngay họ khai gian dối để bắt buộc họ làm theo quy định cách ly. Khi đó, ý thức tự giác, trách nhiệm công dân là vô cùng quan trọng.
Chiến dịch chống COVID-19 ở Việt Nam lại bước vào cuộc chiến mới, cam go hơn, kéo dài hơn. Chỉ mong rằng sẽ không xuất hiện tiếp những cá nhân như bệnh nhân 17, hay như nam thanh nữ tú nọ tự hào khoe chiến tích trốn cách ly trên mạng…