Hai tháng sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (miền Trung Trung Quốc), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra (COVID-19) đang phát tán nhanh chóng và diễn biến rất khó lường. Tính tới ngày 29/2/2020, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; trên 85.200 ca nhiễm bệnh và 2.925 trường hợp tử vong. Trung Quốc tiếp tục là tâm dịch với trên 79.000 ca bệnh và 2.835 người thiệt mạng. Dịch bệnh lan nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại ở nhiều nước, đặc biệt là Iran, Hàn Quốc và Italy.
Tuy nhiên, trong con bão quay cuồng của dịch bệnh, của thông tin nhiễu loạn và tâm lý hoang mang, chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng. Đó chính là nỗ lực kề vai sát cánh, phối hợp hành động, tương thân tương ái, giúp đỡ và sẻ chia của cộng đồng quốc tế. Không quá lời khi chúng ta nói rằng “cơn bạo bệnh” COVID-19 đang giúp thế giới xích lại gần nhau hơn để chung tay đối phó với dịch bệnh.
Trong một thế giới phẳng và ngày càng thuận tiện về giao thông đi lại như hiện nay, con virus quái ác SARS-CoV-2 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, tại bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Do vậy, việc các nước cùng nhau cảnh giác, cùng nhau hợp tác chống dịch không chỉ biểu hiện của tinh thần quốc tế cao cả, mà còn là cách để mỗi nước, mỗi cộng đồng tự cứu chính mình. “Phối hợp hiệp đồng-Lập công tập thể” chính là một trong những bài thuốc dập dịch hữu hiệu nhất lúc này.
Sau khi dịch bùng phát mạnh tại Hồ Bắc tháng 12/2019 và lan nhanh ra tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc, đầu tháng 2, đoàn chuyên gia đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trực tiếp tới nước này và xuống tâm dịch Vũ Hán để đánh giá tình hình và hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc chống dịch. Cộng đồng quốc tế đã có những chia sẻ, hỗ trợ dành cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển 10 triệu USD hỗ trợ Trung Quốc đẩy nhanh việc nghiên cứu vaccine; Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/2 tuyên bố Washington sẵn sàng chi 100 triệu USD để giúp Trung Quốc và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Chính phủ Uzbekistan chuyển 40 tấn quần áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay tới Trung Quốc…
Việt Nam, dù trong bộn bề lo toan phòng-chống dịch bệnh và cũng đang có nhu cầu thiết bị y tế rất lớn, đã nhanh chóng chuyển tới hỗ trợ Trung Quốc số vật tư, trang thiết bị gồm máy thở, quần áo bảo hộ, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Chuyến hàng không chỉ là sự ủng hộ về vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp chính phủ và nhân dân Trung Quốc thêm niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong hoàn cảnh khó khăn nguy cấp, những nghĩa cử ấy, những tấm lòng thơm thảo ấy đẹp biết bao.
Trong cuộc chiến toàn cầu chống “Giặc COVID-19”, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để ứng phó, kiểm soát dịch. Hơn thế nữa, với vai trò và trách nhiệm cao trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh.
Tuyên bố khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của ASEAN với nỗ lực to lớn của Chính phủ và người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với bệnh dịch. Tuyên bố nhấn mạnh các nước ASEAN tiếp tục duy trì chính sách mở cửa; nhất trí phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu của các quốc gia thành viên; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên ASEAN ở nước thứ ba hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN trong trường hợp cần thiết cũng như hợp tác hiệu quả ngăn ngừa thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, ngay từ cuối tháng 1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN, đã gửi thư đến các nước thành viên ASEAN đề nghị thành lập nhóm công tác chung cấp bộ trưởng, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, điều phối hành động ứng phó với dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế.
Những quyết định dứt khoát, đầy trách nhiệm, đúng đắn và hết sức kịp thời ấy là minh chứng cho thấy Việt Nam đã, đang và chắc chắn sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên và quyết tâm đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh COVID-19. Trên thực tế, giữa tâm bão COVID-19 Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng, những kinh nghiệm quí báu về phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm của Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 lần này.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park, cho hay WHO đã đánh giá cao nỗ lực, các biện pháp mạnh mẽ và đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong 2 tháng qua. Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách minh bạch, chia sẻ thông tin về bản đồ gien của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng-chống dịch bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu. Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC), ông Mathew Moore, nhìn nhận Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết và hiệu quả, cho thấy những nỗ lực tuyệt vời trong ứng phó với dịch bệnh, góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới.
Dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh chết người này rõ ràng không phải là công việc của riêng quốc gia hay tổ chức nào, mà đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay gánh vác của cả cộng đồng quốc tế. Đợt chống dịch này như một lần thế giới “ra trận” và “Giặc COVID-19” sẽ còn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục sát cánh bên nhau, tương thân tương ái, phối hợp giúp đỡ để chế ngự COVID-19 và chiến thắng cả cuộc chiến ấy.