Cảnh giác với lừa đảo

Nhiều người đã “sập bẫy” lừa đảo khi “lướt” mạng xã hội hoặc nghe điện thoại từ các số lạ mà thiếu sự cảnh giác.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng internet và thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%, còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (nhưng cũng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền).

Có thể nói, lừa đảo hiện nay được thực hiện với muôn hình vạn trạng. Nếu như trước đây, nhiều người bị mất hàng trăm đến hàng tỷ đồng từ các cuộc điện thoại cho rằng mình đang bị dính vào một vụ án và cần chứng minh sự trong sạch, đến việc thông báo khoá số điện thoại do cần chuẩn hoá thông tin… thì nay những kẻ lừa đảo đã chuyển sang phương thức lừa đảo qua những việc “nhỏ” hơn như mượn tiền, đặt tour đi du lịch, nhấn vào link bình chọn…

Mới đây nhất, khi dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng như kỳ nghỉ hè sắp đến, nắm bắt nhu cầu đi du lịch của người dân, những kẻ lừa đảo đã tung ra hàng loạt phương thức lừa đảo mới như quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ; dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài; hoặc làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, thậm chí là làm giả đại lý bán vé máy bay… để lừa khách hàng mua tour rồi đề nghị đặt cọc hoặc thanh toán tiền trước…

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để gọi cho người thân đề nghị cho vay mượn tiền…

Theo đánh giá của các chuyên gia về an ninh mạng, mục tiêu cuối cùng của tội phạm đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin hay đánh vào lòng tham… Bởi vậy, ngoài những chiêu lừa đe dọa liên quan đến pháp luật, những trường hợp khác, hầu hết nạn nhân đều bị “hấp dẫn” bởi “lợi nhuận” mà đối tượng đưa ra để chiêu dụ.

Việc một người bị “sập bẫy” lừa đảo, trước tiên là do quá tin vào thông tin mà đối tượng cung cấp. Bởi, đối tượng lừa đảo thường tạo lòng tin cho “con mồi” bằng những thông tin cá nhân cụ thể và thậm chí có những thông tin thuộc loại riêng tư, khiến người bị lừa “giật mình” và tin tưởng ngay.

Theo đó, những thông tin mà đối tượng lừa đảo sử dụng thường do người dùng vô ý để lộ trên trang cá nhân, hoặc có thể bị lộ lọt từ những thông tin mà người dùng đăng ký trên mạng hay thông tin bị lộ lọt từ nhà bán hàng, ngân hàng…

Do vậy, để tự bảo vệ mình, trước hết, người tham gia mạng xã hội hoặc sử dụng internet cần phải trang bị kiến thức cơ bản và luôn cảnh giác trước những thông tin từ nguồn không đáng tin cậy; đồng thời cần phải cẩn trọng khi chia sẻ các hình ảnh, thông tin liên quan cá nhân; phải có trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản, hình ảnh của mình, tránh trường hợp bị đánh cắp để làm công cụ lừa đảo những người thân, bạn bè…

Ngoài sự cẩn trọng của mỗi cá nhân, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an ninh mạng cần triển khai thêm nhiều biện pháp kỹ thuật, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường mạng; kịp thời ngăn chặn, xử lý những hoạt động lừa đảo bằng các thiết bị, phương tiện công nghệ cao. Đáng lưu ý, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải có cơ chế bảo vệ thông tin của khách hàng, tránh tình trạng “bán” thông tin hay để lộ lọt thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và có những thông tin cảnh báo trước những thủ đoạn lừa đảo mới.

Trong khi đó, một số luật sư cũng cho rằng, cần có sự điều chỉnhpháp luật liên quan đến việc xử phạt đối với các hành vi lừa đảo qua mạng, bởi hiện nay, các chế tài xử phạt còn quá nhẹ, “không là gì” so với “cái được” mà bọn lừa đảo “thu hoạch”; đồng thời cần có chế tài đối với đơn vị thu thập thông tin cá nhân nhưng lại để lộ lọt hay “bán” thông tin này ra ngoài.

Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng cường chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để tăng cường lừa đảo, chỉ cần mất cảnh giác là có thể “sập bẫy”. Trước nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi như hiện nay, điều quan trọng nhất chính là việc người dân cần nâng cao kiến thức và ý thức cảnh giác, luôn trang bị và cập nhật các phương thức lừa đảo mới, đồng thời khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để kịp thời xử lý vụ việc, sớm ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Chú thích ảnh
Theo Bộ Công an, tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo, người dân khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Đối với những tin nhắn, cuộc gọi qua mạng xã hội, số điện thoại chứa thông tin thiếu minh bạch, người dân cần bình tĩnh xác minh, cẩn thận, trao đổi trực tiếp trước những yêu cầu chuyển khoản, vay tiền…

Tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân như CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội hoặc đưa cho người khác. Cần chọn lọc thông tin cá nhân trước khi chia sẻ công khai để đảm bảo không bị lợi dụng, đánh cắp.
Minh Thuyết
Phá bẫy tin giả COVID-19
Phá bẫy tin giả COVID-19

Tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19 lại tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu và nguy hiểm không khác gì một thứ “dịch bệnh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN