Chiếc trục quá nặng với ông Obama

Tổng thống Barack Obama đang có chuyến công du một tuần tới châu Á nhằm tái khẳng định với các đồng minh về chiến lược “xoay trục” - công việc được cho là không hề dễ dàng đối với chính phủ Mỹ trong bối cảnh hiện nay.

 

Trong bốn điểm dừng chân của ông Obama có Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác chính giúp Mỹ giải quyết những mối bận tâm địa chính trị lớn nhất hiện nay của Washington: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nội dung các cuộc làm việc tập trung vào củng cố mối quan hệ song phương về an ninh và kinh tế, góp phần củng cố cho sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á, hay còn gọi là chiến lược “xoay trục” của Mỹ.


Sau cuộc gặp ngày 24/4 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Obama đã khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, nhấn mạnh đây không chỉ là nền tảng đối với an ninh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn đối với toàn khu vực. Thậm chí, ông còn mạnh mẽ khẳng định Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bao hàm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, một sự ủng hộ công khai hiếm thấy mà Washington dành cho Tokyo trong vấn đề này.


Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Obama chỉ mang tính tượng trưng là chính, và sẽ khó có thể hy vọng về một sự thay đổi rõ rệt nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Quan điểm này đã được nhắc đến từ lâu, nay càng có cơ sở sau khi xảy ra cuộc chính biến ở Ukraine.

 

Chủ trương “can dự gián tiếp” của Mỹ và phương Tây vào Đông Âu vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Nga, khiến Mỹ phải chùn tay. Điều đó cho thấy hai vấn đề: Thứ nhất, các điểm nóng địa chính trị khác chưa đủ “nguội” để Mỹ có thể rảnh tâm nhìn sang châu Á. Thứ hai, tiềm lực quân sự, hay nói cụ thể hơn là ngân sách quốc phòng của Mỹ liệu có đủ để đối trọng với một “đối thủ” đe dọa tham vọng toàn cầu, mà Mỹ không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết đó là Trung Quốc? Tiến sĩ Satu Limaye, Giám đốc Trung tâm Đông-Tây ở Washington, cho rằng: “Sở dĩ các nước nghi ngờ sự can thiệp quân sự vì Mỹ đặt trọng tâm quá nhiều vào các cuộc xung đột nhưng lại không đủ vai trò để ngăn chặn xung đột, kể cả việc thông qua răn đe và hợp tác quân sự với các đồng minh”.


Thực tế gần đây cho thấy Mỹ đang có nhiều nỗ lực nhằm tái khẳng định cam kết “xoay trục”, như rút quân khỏi Afghanistan, tỏ ra trung lập trong các vấn đề Libya, Syria, Ukraine, nhẫn nhịn với Iran. Mặt khác, Tổng thống Obama liên tục “xuất tướng” là phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong các chuyến thăm châu Á gần đây.

 

Chỉ có điều, trong các chuyến đi này các quan chức Mỹ cũng không dám đả động nhiều đến các bước đi mạnh bạo của Trung Quốc khiến các nước láng giềng khó chịu, như tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, leo thang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Philippines… Cuộc khủng hoảng Ukraine một lần nữa cho thấy Mỹ sẽ không dám làm điều gì ảnh hưởng đến mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, trung tâm của các lợi ích của Mỹ; và quan trọng hơn sẽ không bao giờ động thủ để thực hiện cái gọi là “vai trò cảnh sát toàn cầu”, một khi lợi ích cốt lõi của Mỹ không thực sự bị đe dọa. Chính vì vậy, có thể nói “trục chiến lược” hiện nay là quá nặng nề để Tổng thống Obama có thể xoay chuyển.


Thành Vinh

Ecuador trục xuất 20 nhân viên quân sự Mỹ
Ecuador trục xuất 20 nhân viên quân sự Mỹ

Ecuador đã ra lệnh cho toàn bộ 20 nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhóm quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Quito phải rời khỏi nước này vào trước cuối tháng 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN