Mỹ không từ bỏ tiến trình hòa bình Trung Đông

Bất chấp những động thái mới đây của chính giới Israel và Palestine có thể đe dọa tiến trình hòa bình Trung Đông, Mỹ tuyên bố kiên quyết theo đuổi các nỗ lực này. Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi Israel quyết định ngừng đàm phán hòa bình với Palestine để đáp trả một thỏa thuận giữa Chính quyền Palestine và phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng bị Washington và Tel Aviv liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Phát biểu trước báo giới ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington sẽ không bao giờ từ bỏ cam kết của mình đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh "vẫn luôn có một giải pháp" về vấn đề này. Thừa nhận đàm phán "đang ở giai đoạn khó khăn", người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ hối thúc Israel và Palestine đạt được thỏa hiệp cần thiết để hướng tới các cuộc hòa đàm.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng khẳng định Washington "vẫn đang nỗ lực" trong vấn đề hòa bình Trung Đông, song đồng thời khẳng định quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các bên liên quan có lựa chọn tiếp tục theo đuổi mục tiêu hòa bình hay không. Tuy nhiên, quan chức này cũng từ chối xác nhận các cuộc hòa đàm đã chính thức khép lại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.


Trước đó cùng ngày, nội các an ninh Israel đã quyết định ngừng đàm phán hòa bình, đồng thời áp đặt trừng phạt kinh tế với Chính quyền Palestine. Ngoài ra, Israel cũng đã hủy cuộc đàm phán hòa bình với Palestine dự kiến diễn ra cùng ngày. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán với một chính phủ Palestine do một tổ chức khủng bố thề hủy diệt Israel hậu thuẫn.

Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình NBC News, ông Netanyahu cho rằng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn có cơ hội đảo ngược tiến trình về thỏa thuận với Hamas, đồng thời khẳng định Israel sẵn sàng theo đuổi những cuộc đàm phán hòa bình “đích thực”.

Đây là những diễn biến mới nhất sau khi ngày 23/4, hai lực lượng chính của Palestine là Hamas và Fatah nhất trí về việc thành lập chính phủ đoàn kết chuyển tiếp trong vòng 5 tuần và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng, trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian có nguy cơ đổ vỡ trước hạt chót là ngày 29/4 tới.

Dưới sự thúc đẩy tích cực của Mỹ đặc biệt là Ngoại trưởng Kerry, tiến trình hòa bình Trung Đông hiện nay đã được khởi động từ tháng 7/2013 với mục tiêu sẽ đạt được thỏa thuận khung chậm nhất vào thời điểm trên. Tuy nhiên, các động thái căng thẳng gần đây giữa Israel và Palestine đã đẩy tiến trình này tới nguy cơ đổ vỡ. Israel cáo buộc Palestine vi phạm các thỏa thuận khi đơn phương xin gia nhập các tổ chức của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Palestine cũng đưa ra cáo buộc tương tự với Israel do việc Tel Aviv không thả tù nhân Pelstine theo kế hoạch và tiếp tục thúc đẩy hoạt động xây nhà định cư mới tại Jerusalem. Phía Palestine đã đưa ra điều kiện để kéo dài thời gian đàm phán sau thời hạn chót nói trên, theo đó, Israel phải có văn bản công nhận Nhà nước Palestine với các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, Dải Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô. Về phần mình, Tel Aviv khẳng định biên giới vùng Bờ Tây là vấn đề không thương lượng cũng như Đông Jerusalem là một phần của Israel. Những bất đồng sâu sắc này cùng những diễn biến mới liên quan tới phe phái Palestine khiến dư luận hoài nghi khả năng vòng đàm phán sẽ được nối lại trước thời hạn chót.


TTXVN/Tin tức
Palestine: Hamas chấp nhận giải pháp hai nhà nước
Palestine: Hamas chấp nhận giải pháp hai nhà nước

Thỏa thuận hòa giải giữa hai phong trào đối địch Fatah và Hamas vừa được ký kết dựa trên giải pháp hai nhà nước và hai bên công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN