Tính đến 16 giờ ngày 13/2/2020, trên thế giới ghi nhận đã có 60.374 ca mắc bệnh và 1.367 người tử vong, trong đó 1.365 người tử vong ở Trung Quốc đại lục và 2 người tử vong ngoài Trung Quốc đại lục. Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh, trong đó 7 trường hợp đã được điều trị khỏi.
Ngay từ khi có thông tin dịch ở Trung Quốc, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã triển khai những giải pháp phù hợp với tình hình theo từng giai đoạn của dịch. Đầu tiên là cảnh báo, tuyên truyền; rồi đến hạn chế tập trung đông người, dừng các lễ hội sau Tết, cho học sinh nghỉ học, cách ly các trường hợp nghi nhiễm, chuẩn bị các phương án đối phó với dịch bùng phát… Dù có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, nhưng đến nay các biện pháp phòng ngừa dịch lây lan cũng như điều trị bệnh ở Việt Nam đều chứng tỏ hiệu quả.
Nhưng điều đáng lên án là lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng và các thế lực thù địch đã tung những thông tin sai trái, tin giả trên mạng xã hội nhằm mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, bôi nhọ chính quyền hay chỉ đơn giản là để câu view bán hàng trục lợi. Phổ biến nhất là tung tin nơi này, nơi kia đang có người nhiễm COVID-19 gây hoang mang trong cộng đồng, thậm chí kích động công nhân nghỉ việc ở các doanh nghiệp. Rồi đến những “bí quyết” phòng chống dịch, những “thuyết âm mưu” về nguồn gốc phát tán virus hay việc chính quyền che giấu hàng loạt người nhiễm bệnh. Thậm chí có cả những thông tin hết sức phi lý như việc phun thuốc khử trùng trên bầu trời Hà Nội; hay việc mách nhau tích trữ gạo vì sẽ thiếu lương thực…
Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, những tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây ra những mối nguy hại không kém dịch COVID-19. Lo ngại hơn là tin giả về COVID-19 lại lây lan một cách vô thức qua những nhóm người có trình độ, qua đối tượng trẻ tuổi. Thậm chí có cả những nghệ sỹ nổi tiếng cũng đăng tin giả trên trang cá nhân có nhiều người theo dõi của họ.
Trước sự lây lan của “dịch bệnh” tin giả, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 5/2/2020, công an các địa phương đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết, gỡ bỏ thông tin sai. Ngoài ra, công an đang tiếp tục làm rõ với 41 trường hợp không hợp tác để củng cố tài liệu, xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Cho đến nay, việc “dập dịch” tin giả vẫn đang được nhiều địa phương xử lý. Điển hình như ngày 10/2, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã triệu tập bà Phạm Thị H.T (sinh năm 1976, trú tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) để làm rõ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật ngày 6/2 về việc có hơn 200 người lao động, làm thuê từ Trung Quốc sẽ về nước và đi qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) mà không được cách ly. Bà Phạm Thị H.T đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình, đồng thời cam kết không tái phạm. Còn Công an tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính 6 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Dương (sinh năm 2002, trú tại Xóm 6, xã Định Hoá, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về hành vi tung tin sai sự thật về COVID-19…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh thông tin chính thức trên báo chí và các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội. Các bộ, ngành không chỉ cung cấp thông tin theo phương pháp truyền thống mà đã hợp tác với các trang mạng xã hội xóa bỏ tin giả, đưa thông tin chính thức lên trên khi tìm kiếm, ra mắt ứng dụng… Bởi vậy, không khó để kiểm chứng, phát hiện tin giả về COVID-19.
Tuy nhiên, cũng như chống dịch COVID-19, biện pháp hữu hiệu nhất để chống "dịch tin giả" là cách ly chúng. Đó là mỗi người cần có ý thức trách nhiệm trong việc chia sẻ, bình luận những thông tin không kiểm chứng, sai sự thật trên mạng xã hội. Một môi trường lành mạnh trên không gian mạng sẽ ngăn ngừa mọi loại virus lây lan. Và đừng quên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.