Theo ghi nhận của phóng viên, có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc.
Chị Ngô Thị Thanh Chi, có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên tiếng Trung hơn 10 năm, cho biết chị bị thất nghiệp từ trưa 30 Tết đến nay. Trong khi đó, tiền nhà, tiền ăn học của hai đứa con đều phải chi nên chị đã phải tìm công việc khác để mưu sinh, chờ cho đại dịch qua đi sau đó mới tính tiếp có quay lại với nghề hay không.
Trong khi đó, nhiều công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng khách đi tour đã giảm 50-80% vì dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các công ty vẫn chưa tính đến chuyện cắt giảm nhân viên vì đến lúc ngành du lịch phục hồi, có thể còn thiệt hại lớn hơn do không có người làm.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đang như ngồi trên đống lửa vì hàng loạt tour bị hủy, gây thiệt hại hàng tỷ đồng vì dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm đến nay. Tính đến hết 31/3, công ty phải hủy gần 200 đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Trong khi đó, tour đi châu Âu đang mùa thấp điểm, không có khách; với tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... lượng khách giảm 60% so với năm ngoái. Các tour nội địa, khách đã chuyển tiền nhưng vẫn hủy. Vì vậy, nhiều nhân viên cũng đang thất nghiệp ở công ty.
“Để giữ nhân sự trong tình cảnh khó khăn, cả công ty hơn trăm người của Du lịch Việt, nếu làm tuần này nhân viên sẽ được nghỉ tuần sau, gối đầu nhau. Tính chung, hiện chỉ có 50% nhân sự công ty làm việc. Về thu nhập của nhân viên, công ty hiện có thể đảm bảo được 40% so với trước. Ngoài ra, công ty không bị động ngồi chờ hết dịch mà công ty còn kiếm thêm việc cho nhân viên như: kết hợp với đối tác bán dung dịch rửa tay thiên nhiên sát khuẩn. Công ty đã nhập về 300.000 chai và triển khai bán qua các kênh online, bán tại trụ sở công ty ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn đưa 100 tấn dưa hấu đang tồn đọng ở Gia Lai và thanh long Bình Thuận về bán ở TP Hồ Chí Minh”, ông Long nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông - marketing của TST tourist, cho biết với tình hình hiện nay kết quả kinh doanh quý I của hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều giảm mạnh. Để giữ chân lao động, ngay sau Tết Nguyên đán, công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với tinh thần chủ động, bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh, trấn an anh em hướng dẫn viên an tâm làm việc. Bên cạnh đó, bộ phận bán hàng tour nước ngoài, nội địa cũng chuyển hướng giới thiệu các tour trong nước nhiều hơn nước ngoài nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Ngoài ra, nhiều công ty du lịch khác lại có cách làm giữ chân lao động bằng việc điều động nhân sự liên quan trực tiếp đến du khách như: hướng dẫn viên qua làm ở bộ phận khác, cắt giảm kế toán hoặc chuyển qua bộ phận chăm sóc khách hàng... để ai cũng có việc làm trong thời gian chờ ngành du lịch phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch nhưng phần lớn trong số này đang không có khách để dẫn tour. Khách hủy tour hàng loạt khiến doanh nghiệp lữ hành cũng lao đao. Vì vậy, ngày 13/2, Ban chấp hành Chi hội Lữ hành TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp thống nhất đề nghị Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ các vấn đề sau: miễn giảm thuế VAT 50% và giảm 50% thuế doanh nghiệp như sự hỗ trợ vực dậy nền kinh tế năm 2009, thời gian áp dụng cho cả năm 2020; giảm thuế đất phần không xây dựng trong các khu du lịch; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi suất ngân hàng; miễn thị thực visa cho một số thị trường: Australia, Canada, New Zealand, Ấn Độ, Nga…
Theo bà Khánh, thời điểm dịch SARS năm 2003, ngành du lịch cũng rất khó khăn vì lượng khách sụt giảm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, lượng khách du lịch còn ít, quy mô hoạt động của doanh nghiệp chưa lớn, có công ty chỉ có vài văn phòng nên thiệt hại lúc đó không thể lớn bằng so với thời điểm hiện tại dưới tác động của COVID-19. Vì vậy, bà Khánh hy vọng lần này Chính phủ có thễ hỗ trợ phần nào đó, giúp doanh nghiệp lữ hành vượt qua thời kỳ khó khăn này để ngành du lịch sớm phục hồi, đi vào hoạt động ổn định hơn.
Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhớ lại năm 2009, ngành du lịch cũng gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Thời điểm đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có sáng kiến về chương trình kích cầu, gói kích cầu với sự tham gia của các sở, ngành, hãng hàng không, lữ hành… giúp giá tour nội địa giảm tới 50%. Chương trình kích cầu này đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành du lịch vượt qua khó khăn lúc đó. "Hiện nay, các doanh nghiệp đang chờ động thái của cơ quan quản lý về việc triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài", ông Dũng nói thêm.