Đại đa số các ý kiến đều cho rằng mức phạt như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với người vi phạm nói riêng cũng như xã hội nói chung. Thậm chí, cộng đồng mạng còn chế ra đủ thứ trò hài hước xoay quanh các hành vi phi đạo đức hoặc phạm pháp khác, kèm theo mức phạt hành chính chỉ mang tính tượng trưng này.
Đầu đuôi câu chuyện như sau: Tối 4/3, chị V. - một nữ sinh đại học - vô tình đi chung thang máy với một người đàn ông không quen biết trong một tòa nhà chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Sau khi buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng bị từ chối, gã đàn ông dồn chị V. vào góc thang máy, dùng vũ lực để giở trò sàm sỡ. Nạn nhân bị một số xây xát ở mặt, tay và tinh thần hoảng sợ, liền trình báo công an. Rất may sự việc đã được camera ghi lại. Bốn ngày sau, kẻ xấu mới ra trình diện công an và được xác định danh tính là Đỗ Mạnh Hùng, 37 tuổi, là cư dân sống trong tòa chung cư nói trên.
Ngày 18/3, Đỗ Mạnh Hùng bị xử phạt 200.000 đồng vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Ngoài ra, công an cũng đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu Đỗ Mạnh Hùng cam kết không tái phạm, không được có các hành vi tương tự.
Cần nói rõ là trong vụ việc này phía công an đã không sai khi áp mức phạt 200.000 đồng do các quy định pháp luật hiện nay đang bị "bó" trong khuôn khổ như vậy. Theo điều khoản đã dẫn ở trên thì người vi phạm chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Các chuyên gia pháp lý nói rằng Bộ luật Hình sự mới nhất vẫn chưa có định nghĩa như thế nào là quấy rối tình dục, cũng như khó hoặc không thể chứng minh đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cho các hành vi như hiếp dâm hoặc dâm ô.
Hơn nữa, dù dư luận rất bức xúc trước hành vi mà họ gọi là "biến thái", nhưng trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không thể xử một vụ việc chiều theo hướng dư luận được.
Điều đáng bàn ở đây là các chuyên gia và người dân đều thống nhất hành vi của Đỗ Mạnh Hùng là nghiêm trọng, cần phải chịu mức phạt nặng hơn. Hậu quả về sức khỏe chưa thực sự lớn, nhưng đã khiến nạn nhân bị tổn thương tâm lý nặng nề, dư luận thì bức xúc. Ngoài ra, nếu sự việc không xảy ra trong thang máy mà ở một môi trường khác thì hậu quả chưa chắc đã dừng ở đó.
Bởi mức phạt được cho là quá thấp, nên ngoài những ý kiến thất vọng, nhiều người còn tỏ thái độ hài hước, bất lực và chua chát khi cái xấu không bị trừng trị thích đáng. Bản thân nạn nhân cũng cho rằng mức phạt này "hoàn toàn chưa đủ sức răn đe cho người này và những người khác" và mong pháp luật sẽ sớm có những hình phạt tương xứng hơn.
Trước đây cũng từng có những vụ việc được cho là quấy rối hoặc tấn công tình dục nhưng pháp luật đành "bó tay" vì không đủ chứng cứ hoặc căn cứ pháp lý để khởi tố nhằm tạo sức nặng răn đe. Các yếu tố văn hóa và tâm lý cũng tiếp tay khiến nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo. Vụ ép hôn trong thang máy càng khiến dư luận thêm "nóng" trong bối cảnh liên tục xảy ra các vụ xâm hại nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đành rằng pháp luật thường đi sau và không thể bao quát hết mọi hành vi trong cuộc sống. Nhưng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt và nhanh chóng hơn nữa, ban hành những chế tài đủ mạnh, bịt các lỗ hổng pháp lý, để những kẻ có ý định xấu biết sợ mà dừng lại, để pháp luật không bị khinh nhờn, để dư luận không còn cảm thấy chua chát.