Kết quả điểm thi cho thấy, đề thi đã đáp ứng mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT, giúp các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn tin tưởng và lấy đó làm cơ sở để xét tuyển dựa trên nhu cầu đào tạo.
Trước hết, là phổ điểm ở các khối thi, việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh ở môn Lịch sử đã có chuyển biến đáng ghi nhận. Kết quả phổ điểm thi môn Lịch sử cho thấy: Có 659.667 thí sinh tham gia môn thi, trong đó điểm trung bình là 6,34 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Đặc biệt, có 1.779 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử và số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%.
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đây là kết quả của sự đổi mới phương pháp dạy và học cũng như sự cải tiến trong cách ra đề thi môn Lịch sử. Những đổi mới tích cực này cho thấy ngành Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe dư luận để đưa ra những quyết sách tích cực, đồng thời xua đi nỗi lo về nguy cơ học sinh có xu hướng coi nhẹ môn Lịch sử.
Với môn Tiếng Anh, phổ điểm môn thi này năm nay cho thấy sự phân hóa rõ nét về kết quả thi. Cụ thể, trong số 866.196 thí sinh dự thi, thì số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446.648 (chiếm tỷ lệ 51,56%). Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về kết quả thi môn học này, tuy nhiên cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để ra đề thi, cũng như xây dựng chương trình dạy và học cho phù hợp với từng vùng, miền.
Đơn cử, ở những vùng, miền kinh tế - xã hội phát triển, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn, những địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch…), thì tập trung ưu tiên cho học sinh ở các địa phương đó, vùng đó học ngoại ngữ. Kết quả phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay phần nào đã nói lên điều đó.
Cũng cần nhìn nhận rằng, kết quả của một kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện ban đầu cho một học sinh trước khi bước vào một môi trường mới. Vấn đề đặt ra tiếp theo là phải xác định đúng năng lực của các em để tuyển vào học một ngành nghề phù hợp. Điều này đòi hỏi rất nhiều yếu tố và nó còn phụ thuộc vào sự lựa chọn và nguyện vọng của mỗi thí sinh.
Có thể thấy rằng, con em chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự thay đổi về xu thế nghề nghiệp trong tương lai và việc dịch chuyển để lựa chọn những nghề nghiệp thích ứng càng thể hiện rõ.
Kết quả kỳ thi năm học này cho thấy, rất nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn ngành nghề theo các ngành nghề gắn với khoa học công nghệ (căn cứ vào kết quả ở tổ hợp A00 đạt tỉ lệ cao và phổ điểm tích cực), vì quan niệm rằng sau khi trường cơ hội việc làm sẽ thuận lợi hơn. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội có cơ hội nghề nghiệp, việc làm rộng mở lại bị các em xem nhẹ. Bởi vậy, cần phải giúp các em nhận biết mình đang cần gì, thế mạnh ra sao, để có cơ sở lựa chọn ngành, trường học phù hợp với bản thân.
Theo một số chuyên gia giáo dục, điều chỉnh nguyện vọng cũng được xem là một cơ hội để thí sinh đỗ vào đại học. Sự thiếu hiểu biết về ngành nghề, về năng lực và hứng thú nghề nghiệp có thể sẽ dẫn các em đến những lựa chọn sai lầm. Điều đó không chỉ gây lãng phí cho xã hội, mà còn cho chính bản thân khi phải bỏ ra quãng thời gian không ngắn để học một nghề mà các em không thật sự hứng thú và rất có thể sẽ bỏ nghề đó sau khi tốt nghiệp. Trách nhiệm một phần không nhỏ thuộc về các nhà giáo dục nói chung và giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp nói riêng.
Thực tiễn cho thấy, vào thời điểm phải lựa chọn ngành học, trường học, nhiều em không đủ thông tin, hoặc không có được thông tin chính xác về các ngành nghề mà các em định hướng, về năng lực và hứng thú của bản thân. Những lựa chọn sai về ngành học do thiếu những tri thức và kỹ năng cần thiết khiến nhiều em chán nản, thất vọng, bỏ học giữa chừng.
Bởi vậy, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cần được quan tâm đúng mức. Vấn đề không chỉ đưa ra các định hướng, mà là triển khai trong thực tiễn như thế nào cho hiệu quả. Thực tế, qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh, ngoài sở thích và năng lực của bản thân, nhiều thí sinh còn đặt vấn đề về việc chọn ngành nghề yêu thích so với nhu cầu nhân lực của xã hội, dự báo nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của nhóm ngành mà các em muốn chọn.
Trước đây, việc lựa chọn cả ngành học lẫn trường đại học của các em thường được phụ huynh hoặc thầy cô giáo định hướng. Công việc của các em là nỗ lực học tập để đạt điểm cao, thi đỗ theo nguyện vọng đã chọn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, phần lớn thí sinh đã chủ động tìm hiểu ngành, trường và chương trình học… và tự đưa ra quyết định.
Chắc rằng, sau khi có kết quả của kỳ thi THPT 2022, các trường tuyển sinh cùng gia đình tham mưu để giúp các em có những sự lựa chọn phù hợp, sáng suốt nhất.