Tiếp truyền ngọn đuốc chống ‘giặc nội xâm’

Kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2022 đã thổi bùng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Hôm nay, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 được tổ chức, đánh giá lại chặng đường 10 năm Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nêu cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”, và xác định các giải pháp trọng tâm để tiếp tục xây dựng một xã hội liêm chính, kỷ cương, tạo đà cho sự phát triển đất nước.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị  toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Trong 10 năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 1.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó là hành chục ngàn tập thể, cá nhân sau phạm bị xử lý trách nhiệm, gần 1.000 tỷ đồng và các tài sản có giá trị bị xử lý tài chính, thu hồi về cho nhân dân…

Những con số trên đã để lại rất nhiều trăn trở. Vượt qua những giai đoạn chiến tranh ác liệt trước kia, ngày nay, trên “mặt trận không tiếng súng” của thời bình, những “viên đạn bọc đường” đã gây nên tổn thất lớn lao trong đội ngũ các tổ chức Đảng, đảng viên, thậm chí các tướng lĩnh, cán bộ cấp cao. Không chỉ vậy, hành vi sai phạm của các tập thể, cá nhân trên còn gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng tới niềm tin của quần chúng nhân dân.

Thế nhưng, con số trên đồng thời đem lại suy nghĩ tích cực về sự thẳng thắn, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc nhìn trực diện vào những vấn đề nội tại, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, nhằm làm trong sạch đội ngũ, tăng cường niềm tin của quần chúng, nhân dân với Đảng; đồng thời là câu trả lời đanh thép, thẳng thắn, đánh tan những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thể lực thù địch về cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng và nhân dân ta, cũng như những cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta. Song song với quyết tâm đó, là cơ chế phòng ngừa ngày càng được xiết chặt hơn, vừa để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, vừa là công cụ để ngăn ngừa các hành vi sai trái, nhằm bảo vệ đội ngũ. Không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, mọi cá nhân, tập thể sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc và phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm nêu gương của những người đứng đầu luôn được đề cao; phương pháp đấu tranh khoa học, bài bản, quyết liệt đã đưa đến những hiệu quả to lớn.

Chính vì vậy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được toàn thể quần chúng, nhân dân hết lòng ủng hộ, thổi bùng hơn nữa lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và các chủ trương, quyết sách của Chính phủ.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc sai phạm đã bị phát hiện và đưa ra xử lý, như vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; cùng nhiều vụ việc tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai,… Điều nay cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã được mở rộng tới nhiều thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, đi sâu hơn nữa vào mọi ngóc ngách của đời sống. Chính vì vậy, công tác đấu tranh với tham nhũng tiêu cực càng được sự quan tâm, ủng hộ của quần chúng, nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể khẳng định tính ưu việt của những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 được tổ chức hôm nay thêm một lần nữa khẳng định niềm tin sâu sắc và sự ủng hộ hoàn toàn của toàn dân tộc về những quyết sách mới của Đảng và Chính phủ sẽ mở ra một giai đoạn mới trong chặng đường tiếp theo, tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh trực diện với “giặc nội xâm”, mở rộng trên mọi lĩnh vực, mọi phạm vi hành chính, mọi thành phần kinh tế, nhằm củng cố đội ngũ, tiếp tục xây dựng một xã hội liêm chính, kỷ cương, tạo đà cho sự phát triển đất nước.

Thùy Hương
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN