Đốt củi một giờ

Vụ nhập nhèm nhãn mác “made in Thailand” ở cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé Con Cưng lại gióng lên một hồi chuông báo động về những gian lận thương mại dưới hình thức nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể là ngày 22/5, ông T.Đ.C.V (phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã mua 7 sản phẩm ở một siêu thị thuộc hệ thống của Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình). Khi về nhà, ông Vĩnh phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị thay mác.
 
Theo như Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, ngay khi nhận được ý kiến khách hàng, công ty đã làm việc với nhà sản xuất để xác minh nguyên nhân xảy ra “lỗi kỹ thuật” nêu trên và xác nhận sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng. Vì vậy, công ty đã thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng.
 
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó, lực lượng Quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra và tạm giữ hàng trăm sản phẩm tại các cửa hàng của Con Cưng do không có chứng từ nguồn gốc, sai nhãn mác. Tại cửa hàng Con Cưng (số 833 - 835 Hồng Bàng, quận 6), cơ quan chức năng phát hiện 130 sản phẩm mỹ phẩm các loại, gồm phấn, sữa tắm, gội, sữa dưỡng da, nước hoa hiệu Johnson’s anh Johnson’s baby do Thái Lan, Philippines, Malaysia... sản xuất có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định. Gần 900 sản phẩm quần áo trẻ em hiệu CF, Concung.com xuất xứ Việt Nam, kèm nhãn giấy, bao bì ghi thông tin thành phần, sản xuất tại Việt Nam, Công ty cổ phần Con Cưng và địa chỉ... không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa. Ngoài ra, có nhiều hàng hoá không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không ghi năm sản xuất, dán che một phần nhãn gốc.
 
Sau vụ gian lận của thương hiệu Khaisilk, những tưởng đây sẽ là bài học xương máu cho các doanh nghiệp có ý định thu lợi nhuận bằng mọi giá, nhưng hóa ra người tiêu dùng ngày càng cảnh giác và các vụ đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bị phanh phui lại càng nhiều. Điển hình như kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam giai đoạn 2016 tới ngày 31/5/2018 đã chỉ ra: Công ty kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. Nhưng Công ty đã cung cấp nhiều nội dung liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.
 
Với giới kinh doanh, chữ tín luôn là một yếu tố được đặt lên hàng đầu trong tôn chỉ mục đích hoạt động. Nhiều doanh nghiệp còn đặt khẩu hiệu “chữ tín quý hơn vàng”. Và trên thực tế, những người thành công trên thương trường đều có một điểm chung là giữ được chữ tín với bạn hàng, với người tiêu dùng. Từ các ông chủ tập đoàn đa ngành nghề lớn nhất nhì đất nước cho đến các tiểu thương buôn bán ở các chợ dân sinh, chữ tín giúp họ có thêm khách hàng để mở rộng kinh doanh, huy động vốn mà không cần tài sản đảm bảo để chớp thời cơ hoặc vượt qua những giai đoạn khó khăn…
 
Dân gian đã có câu “một lần bất tín, vạn sự bất tin” (hay còn gọi là Nhất độ thất tín, vạn sự bất tin) để nói về sự quan trọng khi giữ chữ tín. Thương hiệu Khaisilk lừng lẫy một thời coi như bị xóa sổ trong phút chốc là một bài học nhãn tiền. Bởi vậy, một hệ thống chuỗi cửa hàng tiêu dùng dành cho mẹ và bé được xem có quy mô lớn nhất thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng, 30 cửa hàng ToyCity và vẫn đang tiếp tục mở rộng, mà gặp “lỗi kỹ thuật” như công ty thừa nhận thì quả đúng là “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.
 
Trần Ngọc Tú
Sau vụ Con Cưng, Mumuso, còn bao nhiêu hàng hóa bị giả xuất xứ?
Sau vụ Con Cưng, Mumuso, còn bao nhiêu hàng hóa bị giả xuất xứ?

Nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng có tiếng trên thị trường Việt Nam, nhưng bị phát hiện nhập nhèm xuất xứ khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN