Tận dụng ưu đãi xuất xứ hàng hóa

Để được hưởng ưu đãi về thuế, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ khi đặt chân vào các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, do năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu hạn chế, nhận thức của DN chưa đầy đủ, nhiều ngành hàng đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tăng xuất khẩu.

Bỏ lỡ thuế suất 0%

Các DN xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản… hiểu rất rõ về rào cản quy tắc xuất xứ. Ông Phan Ngọc Minh, Công ty thủy sản Phú Bình (tỉnh Cà Mau) đánh giá: Chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một hiệp định thương mại tự do (FTA) mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam chưa nắm bắt hoặc tận dụng được tốt các ưu đãi này. Tính phức tạp và số lượng lớn quy tắc khiến các DN ngần ngại. Do vậy, tỷ lệ các DN Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế từ FTA đến nay còn khá thấp.

Muốn được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng quy tắc xuất xứ. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Khi FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ có cơ hội giảm thuế về 0% trong vòng 3 - 7 năm. Tuy nhiên, việc tận dụng các quy tắc ưu đãi xuất xứ là không dễ dàng. Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may cho biết: “Hiện dệt may phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong đó, có tới 42% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là một số nước như Hàn Quốc, các nước ASEAN… Do không chủ động về nguyên liệu, tỷ lệ nội địa hóa thấp, DN dệt may rất khó tận dụng hết các cơ hội giảm thuế, tăng xuất khẩu mà các FTA mang lại”.

Tương tự, các DN ngành gỗ cũng rất lo lắng. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, để đủ nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, DN phải nhập khẩu gỗ từ nhiều quốc gia. Vì vậy, để hưởng ưu đãi thuế thì trong thời gian tới, DN phải tăng tỷ lệ nội địa hóa về nguyên liệu trong sản phẩm, phải đảm bảo chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp... Việc đáp ứng những tiêu chuẩn này có thể khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Mặc dù có rất nhiều trở ngại như vậy, nhưng theo bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) điều kiện quan trọng nhất để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA: “Quy tắc xuất xứ là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không. Chẳng hạn như khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, muốn được hưởng thuế quan ưu đãi thì các mặt hàng xuất khẩu như dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ là nguyên liệu từ sợi trở đi phải nhập của các nước tham gia TPP hoặc tự sản xuất, còn nếu không xuất khẩu đi Mỹ vẫn phải chịu mức thuế cao”.

Chủ động hơn về nguồn nguyên liệu

Để đáp ứng quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt của TPP và các FTA, hiện nay, Vinatex, tập đoàn dệt may lớn nhất nước đã đạt được thỏa thuận với các công ty Nhật Bản vào đầu năm 2015 để sản xuất vải dệt và thuốc nhuộm trong nước. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc và Đài Loan đã thành lập cơ sở ở Việt Nam - không phải để xuất khẩu trực tiếp mà để cung cấp vải dệt cho các nhà xuất khẩu trong nước.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, để đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, DN cần nghiên cứu kỹ. Thứ nhất, cần nhận thức rõ vướng mắc lớn nhất là Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, những ngành gia công, chế biến, như: dệt may, da giày, điện tử, gỗ... hiện nay đang nhập khẩu từ các nước thứ 3 ngoài TPP cần được rà soát lại để tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nhập khẩu nguyên liệu của các nước thành viên TPP để thay thế các nước ngoài TPP.

Hiện nay, nhiều DN đã nghe về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn lo ngại tính phức tạp của quy định này, thậm chí chưa nắm rõ các tiêu chí, điều kiện để được hưởng lợi. Gần đây, đại diện các hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm thông tin cụ thể tới cộng đồng DN về các điều kiện, cơ chế để DN được hưởng lợi từ việc chứng nhận xuất xứ.

Để tạo điều kiện cho DN giảm bớt thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã cho DN thí điểm cơ chế được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các quy định của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tự chứng nhận xuất xứ là mới đối với Việt Nam nhưng đã khá phổ biến trên thế giới. Với việc một loạt các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán với các đối tác đều sử dụng cơ chế này, trong tương lai, khả năng lớn là cơ chế này sẽ được áp dụng ngày càng phổ biến. Vì vậy, các DN cần chủ động ngay từ bây giờ để tìm hiểu về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhằm có những sự chuẩn bị cần thiết. Muốn vậy, DN cần nắm vững quy trình sản xuất và quy định về quy tắc xuất xứ; có hệ thống lưu trữ chứng từ đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất, xây dựng bộ phận chuyên trách về xuất xứ hàng hóa để phục vụ các yêu cầu xác minh khi cần thiết...
Thu Hường
Rủi ro khi xuất xứ hàng hóa bị “mượn”
Rủi ro khi xuất xứ hàng hóa bị “mượn”

Nhiều DN FDI tại Việt Nam đã mượn xuất xứ hàng hoá (C/O) Việt Nam để hưởng lãi suất ưu đãi và trốn thuế khi xuất khẩu sang nước khác, gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các DN trong nước. Dự báo, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc này sẽ trở nên phổ biến hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN