Chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang từ Trung ương tới địa phương, các nhà hảo tâm, người Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở nước ngoài… đã và đang tích cực quyên góp ủng hộ tiền cùng hàng hóa thiết yếu để giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước ổn định đời sống.
Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn và 100 tỷ đồng để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp nhanh, kịp thời, phân bổ trực tiếp đến đúng đối tượng.
Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương cũng quyết định phân bổ số tiền 20 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ người nghèo để cứu trợ khẩn cấp cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, với trách nhiệm của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tiếp tục vận động quyên góp để giúp đồng bào miền Trung. Toàn bộ số tiền cũng như hàng hóa ủng hộ sẽ được chuyển kịp thời tới các địa phương đang bị thiệt hại bởi mưa lũ để giúp người dân vượt qua khó khăn, không để ai bị đói, rét.
Với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung. Những ngày qua, liên tục những chuyến hàng cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước được chuyển đến vùng đồng bào bị thiên tai. Trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập những thông tin, hình ảnh về mưa lũ, đồng thời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tiền, hàng hóa hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.
Không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng trong những ngày qua đối với đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những góc khuất, bất cập trong hoạt động từ thiện cần được xem xét. Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm từ thiện theo kiểu tự phát, tự đứng ra quyên góp và trực tiếp đi trao, không thông qua các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương.
Có thể hiểu được, ai cũng muốn được đến tận nơi để tận tay trao hàng cứu trợ, một phần vì họ thiếu tin tưởng vào cơ quan chức năng, bởi từng xảy ra “chuyện con sâu làm rầu nồi canh” trong hoạt động từ thiện.
Vẫn biết, việc cứu trợ người dân khi xảy ra thiên tai, không chỉ là việc của chính quyền hay tổ chức, đoàn thể nào, mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân. Bởi thế, việc cá nhân, đơn vị, các đoàn làm từ thiện trực tiếp đến vùng lũ để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với người dân là đáng quý, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp… thì sẽ không có được cái nhìn tổng thể, biết được hoàn cảnh nào thực sự khó khăn để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.
Từ thực tế chuyến công tác tới các vùng bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn địa bàn khó khăn thì hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng cho rằng, hàng cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối là chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan làm công tác cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, có như vậy mới đến đúng địa chỉ.
Mạng xã hội đang râm ran việc ca sĩ Thủy Tiên huy động được 100 tỷ đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung. Phải thấy rằng, việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào là rất đáng trân trọng. Bởi trong thiên tai thảm họa, tấm lòng thiện nguyện của mọi người dân dành cho đồng bào bị hoạn nạn không chỉ thể hiện tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”, mà còn góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân đứng ra làm thì sẽ rất vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt với nguồn tiền lớn thì một người không thể quán xuyến hết được. Mặt khác, nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm, thì sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, thậm chí gây mất đoàn kết trong cộng đồng khi người được người không, họ sẽ phân bì. Chưa nói đến việc, đối tượng nằm trong diện hỗ trợ họ đang cần cái gì, cái gì cần trước mắt, cái gì cho lâu dài. Đơn cử, vừa qua, nhiều gia đình vùng lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị cùng một lúc nhận được hàng chục thùng mì tôm, trong khi nước uống, thuốc chữa bệnh lại không có…
Có người nhận được quá nhiều quà, tiền, còn những người khác lại không được cứu giúp. Hoặc việc hỗ trợ chỉ tập trung ở một vài điểm, trong khi người dân ở những vùng sâu, vùng xa lại không được quan tâm hỗ trợ. Rồi cả chuyện cá nhân này tố cá nhân kia lợi dụng việc làm từ thiện để phục vụ ý đồ cá nhân. Cả việc mạo danh ca sĩ Thủy Tiên đứng ra vận động tài trợ nhằm mục đích trục lợi… Chưa kể, trong hoàn cảnh thiên tai, mưa lũ, việc tổ chức đi trao quà đơn lẻ, tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã xảy ra không ít trường bị lạc đường, bị tai nạn, thậm chí tử vong khi đi trao quà từ thiện.
Chính vì thế, việc quyên góp, cứu trợ đòi hỏi cần có những tổ chức chuyên nghiệp thực hiện và có sự điều phối của chính quyền, các lực lương chức năng, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ.
Xin được nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang hướng về miền Trung, nếu để xảy ra việc khuất tất trong hoạt động từ thiện, dù là nhỏ, đều trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dù không có quy định nào cấm hoặc truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng người đứng ra kêu gọi tài trợ có động cơ trục lợi, như gian dối, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hóa được tài trợ, chắc chắn sẽ bị dư luận xã hội lên án và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.