Đây là khoản thu dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ôtô đưa, đón trả khách mà không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; các xe chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách. Khoản thu này được áp dụng trên 21 cảng hàng không do ACV quản lý với mức giá vé “tạm dừng”/ lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Các khoản thu không đúng quy định này đã tồn tại nhiều năm, tuy nhiên đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm này thì ngành Giao thông vẫn khẳng định số tiền thu phí ô tô nhằm để bù đắp cho những chi phí đầu tư, bảo trì cũng như quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không, do đó thu phí ô tô ở sân bay là hợp lý, cần thiết.
Dù rằng, trước đó, khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam đã có kiến nghị tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không, nhưng lãnh đạo Bộ GTVT vẫn cho rằng “chưa đủ cơ sở” để yêu cầu ACV tạm ngưng thu phí. Không chỉ vậy, ngành Giao thông còn đang nghiên cứu đề xuất bổ sung khoản thu giá sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không vào danh mục dịch vụ phí hàng không thiết yếu tại sân bay.
Từ cách xử lý này của ngành Giao thông cho thấy, từ một việc làm sai, trái quy định của Nhà nước, trái quy định của Pháp luật hoàn toàn có thể “phù phép” biến báo để trở thành một việc làm đúng. Những sai phạm kéo dài cho đến khi ngành chức năng phát hiện không những không được xử lý, không một ai phải chịu trách nhiệm mà còn “nhanh chóng” được hợp thức hóa thì ranh giới giữa đúng sai, phải trái quả thực rất … mong manh. Cách hành xử này nếu tiếp tục được ủng hộ thì niềm tin vào Chính thể, vào Pháp luật Nhà nước hẳn sẽ bị lung lay. Những sai phạm tương tự cũng vì thế mà tiếp diễn, thậm chí phát triển nhiều hơn…
Tương tự như những dự án BOT, nếu cứ “hợp thức hóa” việc thu phí bằng cách sử dụng các biện pháp hành chính như phạt hành chính xe qua trạm dừng quá 5 phút để ngăn chặn những phản ứng trước những sai trái của các dự án BOT thì bản chất của mâu thuẫn không những không được giải quyết mà chỉ là cách để làm tăng thêm mâu thuẫn. Người dân có thể vì tôn trọng pháp luật mà tuân thủ những quy định mang tính bắt buộc, nhưng một đất nước văn minh không thể dùng mệnh lệnh hành chính để “hợp thức hóa” cho những sai phạm.
Sau những phản ứng của người dân về những trạm thu phí “đặt nhầm chỗ” hơn ai hết, ngành Giao thông cần phải thấy rằng, mấu chốt của vấn đề là đã đến lúc việc thu phí ở các trạm BOT cần phải được thực hiện minh bạch, đúng quy định, đúng phạm vi, giá trị đầu tư của từng dự án. Những sai phạm trước đây cần phải được xử lý một cách triệt để, công khai.
Cả nước còn rất nhiều những trạm BOT “đặt nhầm chỗ”, đó có thể là “di sản” trong cung cách quản lý, đầu tư các dự án chưa đúng, chưa minh bạch hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích… Những sai phạm này, bất kể có nguyên nhân từ đâu thì cũng cần phải được giải quyết, xử lý đúng theo quy định pháp luật. Đó là cách hiệu quả nhất để giải quyết mâu thuẫn và lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Có thể việc thu phí ở các sân bay là mang lại lợi ích cho Nhà nước, bổ sung nguồn thu vào ngân sách khi AVC vẫn là một đơn vị Nhà nước, chưa cổ phần hóa. Khoản tiền hơn 500 tỷ đồng được thu trong vòng 3 năm có thể là một khoản tiền lớn. Tương tự, những trạm BOT đặt nhầm chỗ có thể mang lại những nguồn lợi lớn cho không ít những cá nhân, doanh nghiệp… Nhưng tất cả những khoản lợi này chỉ là những khoản lợi trước mắt, còn hệ lụy của những khoản thu không minh bạch, trái quy định lại mang đến những hệ lụy xã hội một cách dai dẳng…
Những điểm bất hợp lý ở các trạm BOT cũng như việc thu phí ở sân bay đã được các ngành chức năng, chuyên gia cũng như dư luận toàn xã hội phân tích, chỉ ra một cách thấu đáo. Ngành Giao thông cần nhìn thẳng vào sự thật, hy sinh một phần lợi nhuận từ các khoản thu trái quy định để đảm báo tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí và chấm dứt tình trạng lạm thu vốn đã kéo dài lâu nay.