Mới đây, phóng viên TTXVN tại Gia Lai đưa tin, khi việc học trực tiếp đã trở lại bình thường từ nhiều tháng nay thì 14.000 học sinh ở tỉnh này vẫn chưa nhận được máy tính hỗ trợ học trực tuyến theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”, dù kinh phí đã được cấp từ lúc dịch COVID-19 vẫn còn đang phức tạp.
Cụ thể, từ đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 36,3 tỷ đồng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trong đó, kinh phí cấp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35 tỷ đồng, địa phương huy động 1,3 tỷ đồng.
Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá và đơn vị này đã có chứng thư thẩm định giá. Từ đó, Sở đã căn cứ lập dự toán và phương án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông về cấu hình máy tính bảng là 8 inch và giá 2,5 triệu đồng/máy. Tài sản thẩm định giá là máy tính bảng 8 inch, hãng sản xuất TPS, model K8, nhà sản xuất Shenzhen TPS Industry Technology, năm sản xuất 2021, xuất xứ Trung Quốc.
Ông Phạm Đức Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Sở đã làm 5 tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, tờ trình đến nay vẫn chưa được thông qua. Sở Tài chính cho rằng chứng thư thẩm định giá không đảm bảo, yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua bán tương tự và hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa chứng minh máy tính bảng với giá thẩm định 2,5 triệu đồng/máy.
Ông Phạm Đức Huệ lý giải: “Việc Sở Tài chính yêu cầu như vậy là quá khó và không thể thực hiện được. Đơn vị thẩm định có thể căn cứ cấu hình và báo giá của doanh nghiệp để làm chứng thư. Qua khảo sát chưa có địa phương nào mua bán loại sản phẩm này nên chưa có hợp đồng, hóa đơn tương tự”.
Cho đến nay, việc trao đổi văn bản qua lại giữa hai sở vẫn chưa ngã ngũ, kết quả chỉ là tiền vẫn nằm im trong tài khoản, còn học sinh thì mòn mỏi chờ máy tính. Tất nhiên, thời điểm “một miếng khi đói bằng cả gói khi no” đã qua, chương trình nếu có được thực hiện trong thời gian tới thì hiệu quả cũng đã giảm đi đáng kể.
Câu chuyện chậm trễ trong việc mua máy tính ở Gia Lai có nhiều nét tương đồng với việc chậm đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế thời gian qua, dẫn đến việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết khiến hàng ngàn bệnh nhân bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là việc chậm trễ này lại “bùng phát” sau khi hàng loạt sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế bị phanh phui, nhiều lãnh đạo ngành y tế sa vào vòng lao lý.
Những nguyên nhân chậm trễ thường được nêu ra là các quy định về tài chính không phù hợp, đơn giá thấp không có đơn vị tham gia đấu thầu… nên nếu cố làm sẽ sai hoặc chỉ có sai mới làm được. “Quả bóng” trách nhiệm cứ được chuyền qua chuyền lại mà không rõ địa chỉ, trong khi quyền lợi của người dân được thụ hưởng chính sách không được đảm bảo, gây bức xúc trong dư luận. Sự chậm trễ này cũng làm cản trở tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau dịch COVID-19.
Trước tình trạng trì trệ của tâm lý sợ sai, khi chỉ đạo đẩy nhanh việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Bởi lẽ, đây là lúc thể hiện vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Kết luận này nêu: Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Bộ Chính trị cũng khẳng định: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Như vậy tâm lý sợ sai không làm những việc có lợi cho nước cho dân chỉ có thể xảy ra với cán bộ thiếu trách nhiệm và năng lực. Mà điều này thì Đảng ta cũng đã có Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Bởi vậy, dũng cảm “đứng sang một bên” để không cản trở tiến trình phát triển của đất nước là một việc cần làm.