Do đó, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hiện thực hoá Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ, trong nỗ lực vừa đảm bảo sản xuất vừa chống dịch.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này đã “càn quét” khá rộng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước và chỉ trong thời gian chưa được 1 tháng (từ ngày 27/4 đến sáng ngày 25/5) đã có 2405 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có nhiều ca mắc nhất với số ca đã vượt mốc 1.000 và Bắc Ninh cũng đã vượt qua 500 ca. Bên cạnh đó, trong đợt dịch này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã bị COVID-19 “tấn công” phải phong toả, ngưng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh.
Không chỉ “càn quét” trực tiếp, nhiều ngành cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Chẳng hạn như các ngành du lịch, hàng không, đường sắt… đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn, hàng ngàn lao động phải tạm nghỉ việc, thất nghiệp hoặc “ngủ đông” chờ qua cơn dịch để có thể hồi phục trở lại.
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hơn 10.000 doanh nghiệp trên cả nước mới đây cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động rất tiêu cực đến các doanh nghiệp khi có đến hơn 87% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực, chỉ 11% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng gì và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định miễn, giảm nhiều loại hình thuế cho doanh nghiệp như miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19…
Mới đây nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm lệ phí trước bạ… nhằm giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh. Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tính vào chi phí và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, những chính sách như: giãn thuế cho các doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 30% đối với doanh nghiệp có doanh thu đến năm 2020 dưới 200 tỷ đồng, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho COVID-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân... đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ hữu ích cho doanh nghiệp trong việc giải tỏa gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhờ có chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Chính phủ và sự đồng hành của các ngành chức năng đã động viên, khích lệ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Được biết, hiện Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021 như rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí; trình Chính phủ ban hành nghị định tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021…
Hiện cả nước đang cùng nhau thực hiện thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, do dịch bệnh đang bùng phát mạnh nên nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của các địa phương hiện nay là phòng chống dịch và có thể “hy sinh” lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn cho người dân.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đồng thuận với chủ trương này để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, nhưng về lâu dài, ảnh hưởng của COVID-19 sẽ dễ làm doanh nghiệp “kiệt sức”. Chính vì thế, doanh nghiệp đang cần các địa phương có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá; đồng thời Chính phủ xem xét những chính sách hỗ trợ vĩ mô thêm cho doanh nghiệp, giúp họ “nâng sức đề kháng” và phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh đi qua, để cùng Chính phủ đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021 này.