Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đến ngày 30/9 cho thấy mưa lũ đã làm 9 người chết, 2 người mất tích, 10 người bị thương, tập trung ở miền núi phía Bắc và bắc miền Trung. Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất cũng làm hàng trăm điểm đường, cầu dân sinh bị sạt lở, hư hỏng, làm gián đoạn giao thông ở một loạt các tỉnh từ Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai. Cùng với đó, hàng chục nghìn hécta lúa và hoa màu bị ngập úng, gần 3.000 con gia súc và gia cầm bị chết, hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng. Đợt mưa lũ này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 898/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Công điện yêu cầu để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Thủ tướng lưu ý Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người, kịp thời hỗ trợ lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, cũng như huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút, đồng thời sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trên cơ sở đó, các địa phương bị ảnh hưởng đã chủ động triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, trọng tâm là khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản; vệ sinh môi trường; tiêu độc, khử trùng; xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sữa chữa hạ tầng hư hỏng.
Các tỉnh cũng đã tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa; đặc biệt là hồ chứa xung yếu, bị xuống cấp hoặc có sự cố, đồng thời chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Vẫn được coi là rốn mưa lũ của Việt Nam, có thể thấy dải đất miền Trung và các tỉnh miền núi Bắc Bộ năm nào cũng phải hứng chịu những đợt thiên tai nghiêm trọng và buộc phải “sống chung với lũ”. Chính vì vậy, có lẽ điều quan trọng là cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai; cũng như nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới cũng phải hứng chịu hàng loạt vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mỗi năm. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã có nhiều biện pháp, quy định để phòng, tránh, chống và phản ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ở khu vực Caribe, nhiều nước đã qui chuẩn hóa quy trình xây dựng công trình tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt vào xây dựng công trình và xác định các đặc điểm công trình cần thiết liên quan đến lũ lụt và sạt lở đất. Trong khi đó, Australia cũng đưa ra quy định về quy hoạch, quản lý đất đai tại những khu vực có nguy cơ cao, trong đó chia địa hình ra làm 3 khu vực với mức độ dốc khác nhau và đối với mỗi khu vực và chính quyền sẽ điều tiết mật độ xây dựng, các loại công trình xây dựng và mật độ dân cư phù hợp. Một quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các trân mưa lũ lớn hàng năm ở Mỹ Latinh là Peru lại đưa ra biện pháp đầu tư xây dựng thêm nhiều hồ chứa tại khu vực miền núi để trữ và điều tiết nước nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Về phần mình, Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) cũng đưa ra khuyến cáo nghiêm ngặt để làm cơ sở cho chính quyền phân bổ quy hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự, công cộng ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó có lũ quét và sạt lở đất. Cùng với đó, các nhà mạng di động ở những khu vực có nguy cơ được chính quyền hợp đồng gửi tin nhắn khẩn cấp về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến tất cả các số di động. Ngoài ra, tất cả người dân cũng được học và tìm hiểu các lộ trình, tuyến đường sơ tán, các kế hoạch trú ẩn và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất để họ có thể chủ động trong tình huống khẩn cấp.
Trở lại với nước ta, trước những khó khăn vô vàn mà người dân ở các vùng bị ảnh hưởng đang phải đối mặt, nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ cũng từng bước được triển khai nhằm kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói trên tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” và với phương châm không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Bằng tình cảm từ sâu thẳm trong trái tim, người dân cả nước đều mong muốn được sẻ chia bớt đi những khó khăn và đó còn là tình nghĩa đồng bào mà mỗi người con đất Việt luôn tự hào. Có thể những ngày sắp tới vẫn còn nhiều thử thách đối với người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và vì vậy những nghĩa cử, sự chung tay của cộng đồng có ý nghĩa động viên to lớn về tinh thần, những hành động thiết thực, cụ thể sẽ góp phần xoa dịu mất mát và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra để một mai khi dòng nước dữ qua đi thì tình người vẫn còn mãi trên dải đất hình chữ S này.