Tuy nhiên, du lịch được đánh giá là ngành kinh tế nhạy cảm, bởi vậy ngay lập tức phải chịu ảnh hưởng từ những tác động trực tiếp của ô nhiễm môi trường biển, hay những biểu hiện kinh doanh thiếu lành mạnh của một vài đơn vị, cá nhân. Chưa hết, tình trạng thao túng hoạt động du lịch của người nước ngoài; hoạt động bất hợp pháp của hướng dẫn viên người Trung Quốc cũng đang tác động tiêu cực tới du lịch Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là những thách thức nêu trên có làm ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút khoảng 8,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay? Những vấn đề vừa nêu đã được phân tích, mổ xẻ tại hội nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 9/7 vừa qua. Nhiều ý kiến tranh luận giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch... xung quanh những bất cập và những giải pháp cần tháo gỡ cho hoạt động du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Một giải pháp nhận được sự đồng tình của dư luận, là sự đổi mới trong hoạt động tiếp thị du lịch. Lâu nay, công tác tiếp thị du lịch chỉ được chú trọng ở thị trường Trung Quốc, nơi được đánh giá là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam; ít chú ý tới các thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Bắc Âu, Nga, Australia, Hàn Quốc… Do vậy, cần sự thay đổi “tư duy” trong cách tiếp thị du lịch. Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu đề cập là cần phải đặc biệt chú trọng tới việc tạo dựng một môi trường du lịch thân thiện với du khách.
Báo chí từng nhiều lần lên tiếng về "thảm họa" du lịch Việt Nam do những hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai..., gây ấn tượng xấu với du khách. Vậy nên, vấn đề xóa bỏ kinh doanh chụp giật, một lần nữa được xới lên và được nhìn nhận như một đòi hỏi tất yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang đứng trước thực trạng khó khăn, thì cần phải thay đổi tư duy đối với phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Phát triển du lịch cần được ứng xử như một phương thức tiếp cận cơ bản nhằm đem đến lợi ích thiết thực không chỉ cho du khách nước ngoài, mà cho cả khách du lịch nội địa.
Muốn vậy, cần phải xây dựng một hệ thống trách nhiệm (văn hóa, kinh tế xã hội, môi trường...) và các giải pháp thực hiện. Cụ thể, khi phát triển các dự án du lịch, cần đánh giá tác động kinh tế-xã hội, xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm các tác động tiêu cực tới đời sống của họ. Phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ các di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường... Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực của từng địa phương, các bộ, ngành cũng cần rà soát các thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng cường kỷ cương trong môi trường du lịch; sự nỗ lực, phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch nhằm tạo môi trường thân thiện cho du khách.
Để môi trường du lịch thật sự trong sạch, nếu chỉ hô khẩu hiệu thôi thì chắc chắn thất bại. Điều phải làm và làm quyết liệt là phải gạt bỏ cho được thói trục lợi, kiếm tiền bất chính trong hoạt động du lịch. Ðã đến lúc, phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết nhằm xử lý triệt để và làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch kiểu chộp giật, ăn xổi. Việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách phải từ những việc nhỏ như nụ một cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Muốn thế, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều địa phương và sự cộng tác của mỗi người dân.