Sau
khi nhiều vụ bạo hành trẻ em được phát hiện gần đây, đặc biệt là vụ bạo hành ở Nhóm
trông giữ trẻ Mẹ Mười tại Đà Nẵng gây phẫn nộ dư luận, vấn đề lắp đặt bắt buộc
các camera giám sát tại các điểm trông giữ trẻ được nhiều người nhắc đến.
TP
Hồ Chí Minh sẽ là địa phương tiên phong thí điểm lắp camera giám sát trong
phòng học tại các cơ sở mầm non thuộc một số quận huyện kể từ năm học mới. Đa
phần các cơ sở hiện nay mới chỉ lắp camera ở sân trường, hành lang với mục đích
an ninh, còn tỷ lệ lắp camera trong lớp học vẫn rất thấp. Với 1.200 trường mầm
non, chưa kể gần 1.850 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, Sở Giáo dục và
Đào tạo hy vọng rằng việc lắp camera sẽ vừa hỗ trợ công tác quản lý, tạo sự yên
tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con trẻ, vừa là sự răn đe tránh xảy ra các trường
hợp bạo hành trẻ khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ như thời gian qua.
Thế
nhưng không phải ai cũng đồng tình với chủ trương nói trên. Theo kết quả khảo
sát ý kiến ở TP Hồ Chí Minh, có đến 88% phụ huynh đồng ý lắp đặt camera trong
lớp học mầm non, nhưng cũng có tới 52% giáo viên không đồng ý. Điều này là dễ
hiểu, bởi là phụ huynh thì hầu như ai cũng muốn theo dõi được con em họ ở
trường như thế nào, có bị bắt nạt, bạo hành hay không. Còn với giáo viên, không
ai muốn nhất cử nhất động thời gian ở trên lớp đều bị theo dõi. Họ cũng e ngại
sẽ bị sức ép tâm lý, thiếu tự nhiên khi phải dạy dỗ trẻ dưới những cặp mắt giám
sát.
Một
số ý kiến còn nhìn vấn đề dưới góc độ an ninh, xã hội. Sẽ ra sao nếu các hình
ảnh camera bị lọt ra ngoài và bị kẻ gian lợi dụng? Quyền trẻ em với những hình
ảnh riêng tư sẽ được bảo vệ như thế nào? Phải chăng việc lắp đặt camera cho
thấy sự thiếu niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục?
Xét
theo tâm lý thông thường, không ai muốn mọi chuyện thêm phức tạp, tốn kém với
những chiếc camera trong phòng học, nhất là ở cấp mầm non – nơi rất cần có sự
giao tiếp, đồng cảm giữa giáo viên và trẻ một cách tự nhiên nhất. Ngoài ra, lắp
camera chỉ là biện pháp giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề bạo hành vẫn là
năng lực, trình độ và cái tâm của người giáo viên.
Tuy
nhiên, trong điều kiện trường lớp và đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, có
chất lượng còn thiếu như hiện nay, thì giải pháp lắp camera xem ra là một lựa
chọn hợp lý. Làm việc dưới sự giám sát, mỗi giáo viên sẽ buộc phải nghĩ đến
trách nhiệm và hậu quả đối với mỗi lời ăn tiếng nói và hành động, nhất là trước
khi giận dữ hay nổi nóng với con trẻ.
Còn
nhớ trong một thí nghiệm ở quán ăn, để nâng cao chất lượng phục vụ, người ta
thay các tấm khăn trải bàn bình thường bằng tấm khăn có in hình những cặp mắt -
biểu tượng của sự giám sát. Kết quả là nhân viên dọn bàn làm việc nghiêm túc
hơn; bàn được lau dọn sạch sẽ hơn.
Ở
một số nước, chính quyền cho lắp đặt các tấm biển “Đoạn đường có camera tốc độ”
hoặc bố trí các camera giả với mục đích cảnh báo những người có ý định chạy xe
quá tốc độ. Thậm chí tại Thái Lan, chính quyền thành phố Bangkok cho dựng hình
nộm cảnh sát ở một số vị trí nhạy cảm về tội phạm để người dân tự giác chấp
hành pháp luật hơn.
So
sánh môi trường công cộng với lớp học mầm non có thể là một sự khập khiễng.
Nhưng rõ ràng ở nơi nào có sự công khai giám sát, nơi đó sẽ giảm bớt được tỷ lệ
phạm tội. Vì vậy, mọi biện pháp đều cần được khuyến khích áp dụng, nếu chúng
mang lại hiệu quả. Để làm sao, cứ đến tháng 5, tháng 6, các địa phương trên cả
nước lại rộn ràng phát động “Tháng hành động vì trẻ em” mà không phải trăn trở,
đau lòng với con số hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện hằng
năm.