Một tờ báo mạng đưa tin và hình ảnh hai du khách người Nhật trong những ngày mưa rét vừa qua, họ cặm cụi nhặt từng mẩu rác cho vào túi giấy tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Không phải một lần, mà nhiều lần, hai du khách người Nhật có hành động đẹp, đáng trân trọng như vậy. Nhưng cũng thật buồn là không thấy người Việt Nam nào tham gia nhặt rác cùng họ. Vẫn biết, hành động của hai du khách người Nhật chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nhưng nó đánh vào lòng tự trọng của người Việt Nam.
Lâu nay, mỗi khi nói đến ý thức nơi công cộng của người Việt Nam, hẳn có người sẽ chép miệng "đó là điều quá xa xỉ". Thực tế, nhiều người rất thiếu ý thức trong việc cư xử với những người xung quanh, từ việc xả rác bừa bãi cho đến văng tục khiến mọi người cảm thấy chướng tai gai mắt. Tình trạng xả rác bậy ra đường, phóng uế bừa bãi, coi hè phố như của mình... đang dần làm mất đi vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội.
Quả là đáng lo ngại, bộ mặt đô thị Thủ đô đang bị đe dọa bởi tình trạng xả rác vô tội vạ ở những nơi công cộng. Rác luôn rình rập có ở khắp các nẻo đường, vỉa hè, miệng cống... Cứ ra đường là thấy, bất kể ai, từ người già, trẻ nhỏ, người đạp xích lô, cả những người điều khiển những chiếc ô tô sang trọng... cũng có thể xả rác ra đường. Tại các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, khu dân cư, trường học, danh lam thắng cảnh, các tuyến đường trọng điểm khách du lịch thường qua lại..., rất dễ để chứng kiến cảnh người ngồi trên xe gắn máy vứt giấy gói thức ăn hay vỏ hộp sữa họ mới vừa uống xuống đường.
Những người vứt rác nơi công cộng không chỉ thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, không chỉ do trình độ dân trí thấp, mà còn do họ nhiễm một căn bệnh khó chữa: Chỉ biết cái lợi cho riêng mình mà quên mất cái lợi cho cả xã hội, cộng đồng. Để thấy tác hại của việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống, xin được trích dẫn con số của Ngân hàng Thế giới khi đánh giá về tình trạng vệ sinh môi trường ở Việt Nam: Vệ sinh môi trường kém đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 780 triệu USD mỗi năm, tương đương 1,3% GDP. Quả là con số đáng suy ngẫm.
Hà Nội đang hướng tới đô thị thanh lịch, văn minh. Nhưng Hà Nội đang dần mất đi thiện cảm của du khách nước ngoài nếu những hình ảnh phản cảm từ rác thải vẫn cứ hiển hiện. Cho dù có nhiều tòa nhà hiện đại, nhiều cửa hàng dọc phố được trang trí rất đẹp, nhiều bồn hoa đặt dọc phố, nhưng dưới lòng đường hoặc trên vỉa hè rác thải nhan nhản thì cũng thật khó lấy được thiện cảm của du khách. Vậy có cách nào để cứu vãn thực trạng nêu trên?
Đã có nhiều quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi xả rác bừa bãi, đổ nước thải ra đường... Thế nhưng những quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Phải thừa nhận, nguyên nhân là do ý thức của nhiều người còn rất kém, trong khi đó những người thực thi luật pháp, chính quyền địa phương cũng thờ ơ việc nhắc nhở hoặc không kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lối sống văn minh đô thị đối với người vi phạm.
Xã hội ngày càng phát triển thì ý thức của mỗi công dân, ý thức pháp luật cũng như hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày của mỗi người phải được nâng cao. Quan trọng hơn, những quy tắc xử sự chung đã được luật pháp quy định mang tính bắt buộc thì mọi người cần phải tuân thủ thực hiện. Để những quy định về việc gìn giữ môi trường sống, ngoài việc vận động, tuyên truyền mọi người thực hiện, thì kèm theo đó phải có những biện pháp chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Cùng với xử phạt nghiêm khắc, cần có hình thức phạt đánh vào lòng tự trọng của người vi phạm. Ví dụ, Singapore có biện pháp xử phạt bằng đòn roi và lao động công ích, thậm chí có thể yêu cầu người bị phạt treo biển và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, trên hết, phải làm sao để người dân hiểu và làm theo pháp luật, đi kèm là biện pháp khuyến khích.
Yến Nhi