Chưa dám khẳng định câu nói trên hoàn toàn đúng về mặt học thuật, nhưng trong thực tế, tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp rất giỏi. Họ có điểm chung là kiến thức rộng, tư duy sâu sắc và tốt nghiệp ngành… sử.
Thế nhưng, câu chuyện điểm thi môn Lịch sử thấp đến thảm hại dường như vẫn chưa nhìn thấy lối thoát. Theo thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trong số trên 563.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì có tới 4.600 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24%. Mức điểm trung bình trên cả nước là 3,79. Có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0.
Nhìn vào biểu đồ số lượng các nguyện vọng đăng ký theo tổ hợp có thể thấy rất ít thí sinh chọn môn Sử làm môn chính để thi đại học. Nếu không ghép vào các tổ hợp thì chưa biết số phận của môn Sử sẽ đi tới đâu.
Ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự chọn lọc tự nhiên của xã hội là một yếu tố quan trọng quyết định số phận của môn Sử. Một nền kinh tế phát triển nhanh luôn có nhiều ngành nghề ưu ái với các môn học mang tính ứng dụng cao để phục vụ nhu cầu phát triển trước mắt. Xu hướng nghề nghiệp khiến người người, nhà nhà cho con đi học thêm Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, dễ xin việc và có thu nhập cao. Trong bối cảnh ấy, Lịch sử khó có thể trở thành một ngành học “hot”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra một số liệu để chứng minh mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử. Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng thì có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp. Môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, với 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên.
Tuy nhiên, số học sinh đạt điểm cao môn Sử chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số thí sinh dự thi. Tiếp tay cho sự thờ ơ với môn Sử không thể không nói đến trách nhiệm của ngành giáo dục. Những cuốn sách giáo khoa nặng về kiến thức của một giai đoạn mà thiếu vắng các sự kiện xâu chuỗi. Các sự kiện nặng về số liệu thống kê mà thiếu vắng những câu chuyện hấp dẫn. Các nhân vật lịch sử được tô đậm nhân cách một chiều. Rồi nữa, giáo viên môn Sử không muốn (và nhiều khi không thể) sáng tạo các phương pháp giảng dạy lôi cuốn, khiến mỗi tiết học lịch sử như một cực hình thật sự với học sinh.
Chúng ta vẫn thường nói đến một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, lấy học sinh làm trung tâm. Vì vậy, thay vì chỉ được “kể lại”, học sinh cần được “sống lại” quá khứ qua những câu chuyện hấp dẫn, qua tìm hiểu thực tế sinh động ở các bảo tàng, di tích và phim tài liệu. Các em không chỉ cần “tự hào” một cách chung chung về những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung. Liên quan đến mỗi nhân vật, trong từng thời kỳ lịch sử, các em còn cần thấu hiểu một cách sâu sắc và nhân bản với bối cảnh xã hội, tập tục văn hóa, đời sống kinh tế, tôn giáo, khoa học, ngôn ngữ…
Liệt kê như vậy để thấy tính phổ quát và tầm quan trọng của môn Lịch sử xét trong mối quan hệ tương quan với các môn học khác. Giáo dục lịch sử thành công sẽ giúp đào tạo ra những thế hệ tri thức không bị “khuyết tật” về nhân cách. Như Các Mác từng nói: “Chỉ có một khoa học chân chính nhất là khoa học lịch sử”. Nhìn rộng hơn, GIÁO DỤC phải đi trước và làm nền tảng cho ĐÀO TẠO.
Bản thân anh bạn nói trên của tôi cũng đến với ngành Sử một cách tình cờ: Không đủ điểm vào khoa mong muốn nên anh chấp nhận học khoa Sử có điểm đầu vào thấp hơn. Vậy là, câu chuyện môn Sử bị hắt hủi, sau hàng chục năm vẫn tiếp tục là một thực tế buồn.