Quan tâm y tế cơ sở

Nhiều năm nay, các bệnh viện công luôn “than” vì mỗi năm đều mất đi không ít cán bộ có chuyên môn giỏi và mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trong năm 2020, Thành phố chỉ có 597 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong 10 tháng năm 2021 đã có đến 9 người xin nghỉ việc.

Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, vấn đề này cũng đã và đang xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Sự việc gần 1.000 cán bộ y tế xin nghỉ việc cho thấy chế độ và đãi ngộ hiện nay đối với nhân viên y tế vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù các chính sách cho cán bộ y tế trong thời gian gần đây đã được cải thiện, nhưng so với yêu cầu và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, việc đầu tư, quan tâm của các cấp, các ngành đối với tuyến y tế cơ sở trong thời gian qua dù có nhưng vẫn chưa tương xứng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tuyến cơ sở phải đảm đương rất nhiều việc trong mùa dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, dựa trên đơn xin nghỉ việc, lý do chủ yếu được nhân viên y tế nêu ra là vì hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân. Qua phân tích, số nhân viên nghỉ việc có sự gia tăng ở vị trí điều dưỡng và bác sĩ ở tuyến trạm y tế.

Lý giải nguyên nhân này, các y, bác sĩ cho rằng, việc rời bỏ công việc ở tuyến y tế cơ sở chủ yếu là do mức lương quá thấp nhưng áp lực công việc quá lớn, trong khi chế độ đãi ngộ lại thấp và thiếu cơ hội phát triển.

Bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trưởng trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện mỗi nhân viên y tế tại trạm phải gồng gánh trên 17.000 dân. Trước thời điểm có dịch COVID-19, nhân sự đã mỏng, làm việc không có thời gian nghỉ; khi đến thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một cán bộ y tế đã phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, hiện lương nhân viên y tế tại trạm y tế chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

"Như tôi làm việc tại trạm y tế khoảng gần 20 năm nhưng mức lương hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng. Có thể nói, với chế độ như thế, hầu như các nhân viên y tế còn bám trụ lại với nghề, với trạm y tế đều vì đam mê, vì lương tâm của mình với người dân. Đã có những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính", bác sĩ Phan Thanh Tùng bộc bạch.

Còn theo các nhân viên y tế khác, kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng lên gấp nhiều lần; đội ngũ nhân viên y tế còn phải đi sớm về khuya khi tham gia chống dịch như lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, theo dõi và điều trị F0 tại nhà, tiêm vaccine, hướng dẫn cách ly y tế… Trong đó, rất nhiều nhân viên y tế đã 5 - 6 tháng chưa được về nhà. Những áp lực này cộng với mức thu nhập “bèo bọt” đã khiến họ chạnh lòng khi nghĩ đến gia đình, nhất là khi họ là trụ cột chính. Điều này đã góp phần không nhỏ đến quyết định nghỉ việc để tìm đến các cơ hội làm việc khác có nguồn thu nhập tốt hơn, như tại các cơ sở y tế tư nhân chẳng hạn.

Một thực tế hiện nay là công tác chống dịch COVID-19 tại các địa phương đều dựa vào vai trò của y tế cơ sở; trong đó trạm y tế phường, xã, thị trấn đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ người dân phòng và chữa bệnh. Trong tình hình mới, việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu.

Chính vì thế, mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm như hiện nay thì nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ thu nhập đối nhân viên y tế cơ sở và dự phòng từ 3-5 triệu đồng/tháng; đồng thời đưa ra các chính sách để giữ chân, tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 145 hướng dẫn mức phụ cấp mới cho cán bộ y tế, bao gồm tăng phụ cấp đối với những người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 từ 1/8-31/10 tại các đơn vị, địa phương có ca mắc cao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những chính sách ngắn hạn.

Về lâu dài, để giữ chân nhân viên y tế gắn bó và trở thành trụ cột của y tế cơ sở, ngành y tế nói chung và các địa phương nói riêng cần xây dựng môi trường tốt hơn để lực lượng này yên tâm làm việc; có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra; tạo điều kiện cho họ được rèn luyện tay nghề, thêm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp; đồng thời cho phép bác sĩ trạm y tế được khám chữa bệnh ngoài giờ… để họ có cơ hội được làm việc, đóng góp cho xã hội và có nguồn thu nhập đủ nuôi sống gia đình từ chính nghề nghiệp của mình.

Trước bối cảnh Việt Nam đang già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng của các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong khi y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập sẽ không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian tới. Chính vì thế, việc quan tâm xây dựng và phát triển y tế cơ sở, nhất là về đội ngũ y bác sĩ, ngay từ bây giờ càng trở nên cấp thiết; bởi đợt dịch bệnh COVID-19 hiện nay đã chỉ ra y tế cơ sở vẫn còn rất nhiều yếu kém.

Minh Thuyết
Mệnh lệnh vaccine 'made in Vietnam'
Mệnh lệnh vaccine 'made in Vietnam'

“Thúc đẩy, tháo gỡ mọi vướng mắc để sản xuất bằng được vaccine phòng COVID-19 trong nước đáp ứng các yêu cầu về khoa học, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây về tình hình nhập khẩu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN