Sao nỡ bắt trẻ 'chín ép'

Trong mỗi gia đình, vào dịp năm học mới, hầu như bậc phụ huynh nào cũng dành cho con trẻ sự thương yêu, quan tâm nhiều nhất. Cả cộng đồng cũng dành sự nâng niu, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ.

Ai cũng hiểu rằng, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em là nguyên tắc chung, được cả xã hội đồng thuận. Thế nhưng, từ nguyên tắc chung đến hành động cụ thể, thì lại là cả một vấn đề.

Ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, đang có chuyện các bậc phụ huynh đua nhau cho con học thêm để... vào lớp 1. Đến tuổi đi học thì phải được đến trường, đương nhiên được vào lớp 1. Vậy thì sao phải học thêm? Xin trả lời, học thêm để vào lớp 1 trường điểm. Bởi vậy, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cứ thời điểm sau Tết Nguyên đán là lúc nở rộ các lớp “tiền tiểu học”, với các hình thức: học chữ, làm bài tập toán, làm quen tiếng Anh, học phát triển kỹ năng học sinh “tiền tiểu học”…

Có lẽ do quá tải đơn xin cho con trẻ học trường điểm, một số trường phải tổ chức thi tuyển để chọn học sinh. Đề thi tuyển lớp 1 của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội vừa được báo mạng đăng tải, lập tức cư dân mạng phản hồi rất sôi nổi. Đọc những tiêu đề mà thấy hoang mang. Nào là vợ chồng thạc sĩ tranh luận về đề lớp 1, nào là bố mẹ đau đầu vì đề lớp 1 của con, nào là đề ấy ra cho trò lớp 5 thì xứng... Đề khó thế, hỏi làm sao trẻ không phải đi “học thêm”?

Và thế là các bậc phụ huynh đua nhau đi tìm lớp luyện, xin học thêm cho con, rồi vất vả tìm cách nộp hồ sơ cho con dự thi vào trường điểm. Những việc làm đó đều nhân danh vì tình thương yêu, vì tương lai của trẻ. Có một câu chuyện về lịch học của một số em bé chưa đến tuổi đến trường thế này: Hàng ngày học tiếng Việt 1 tiếng; tuần vài ba buổi học ngoại ngữ; rồi học toán... Tuổi thơ non nớt “như búp trên cành” mà phải khổ luyện đến bơ phờ, phải chăng dành yêu thương cho trẻ là bắt trẻ học theo kiểu khổ sai như vậy?

Không chỉ học thêm để thi vào lớp 1 trường điểm, trào lưu phổ biến hơn là cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Do phần đông cha mẹ cho con học trước nên đã xảy ra tình trạng giáo viên lớp 1 dạy không đúng phân phối chương trình, không dạy kỹ theo yêu cầu vì nghĩ rằng học sinh đã biết rồi. Vì sao phụ huynh không thể yên tâm để con mình “chưa biết gì” khi vào lớp 1? Có hay không thực trạng giáo viên dạy theo kiểu lớp đã biết chữ rồi? Thực tế, đã không ít giáo viên tiểu học dạy sai quy định khiến những học sinh chưa được đến “lò” luyện trước đã không theo kịp chương trình.

Trào lưu đưa con đi học sớm, chính các phụ huynh đang cắt ngắn tuổi thơ của con mình và gây lo âu cho những phụ huynh khác có con vào lớp 1. Khắc phục tình trạng này, có lẽ ngành giáo dục cần chấn chỉnh công tác giáo viên. Chương trình lớp 1 là chương trình dành cho trẻ chưa biết chữ, xin giữ cho trẻ nguyên vẹn những cảm xúc đẹp đẽ từ những con chữ đầu tiên và sự tự tin từ ngày đầu vào lớp.

Có một thực tế là, đã có nhiều học trò đỗ thủ khoa đại học dù học ở những trường không được coi là trường điểm, điều kiện sống và học tập hết sức khó khăn. Ngược lại, cũng không ít phụ huynh của các trò học trường điểm, thì sau một thời gian lại thất vọng về chất lượng dạy của nhà trường và sức học của con mình. Điều đó có nghĩa, sự phân định trường “xịn” hay không “xịn” của các bậc phụ huynh không hẳn đúng. Một chuyên gia giáo dục đã nhận định: Cuộc đua trường điểm, lớp chọn thật ra là để thỏa mãn sĩ diện, sự háo thắng của người lớn, rằng con mình hơn con người. Còn với con trẻ, trước 6 tuổi thì phải được vui chơi là chính. Bắt trẻ học trước là trái quy luật tự nhiên.

Thử đặt câu hỏi, trong cuộc đua ấy, có bao nhiêu bậc phụ huynh can đảm “phớt lờ” không cho con đi học trước như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Cần chấm dứt dạy chữ trước khi vào lớp 1”?

Vậy nên, nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, năm học được đánh giá là đặc biệt quan trọng để đổi mới giáo dục, bắt đầu từ lớp 1, bên cạnh rất nhiều vấn đề về chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, cũng cần sự thay đổi của một số vị phụ huynh về việc đầu tư cho việc học hành của con cái. Các bậc phụ huynh cần có sự sáng suốt, đừng ép trẻ phải chín non, mà để chúng được phát triển đúng quy luật của lứa tuổi. Quan tâm tới thời gian học tập của con cái, cũng cần quan tâm tới thời gian nghỉ ngơi, quyền vui chơi giải trí và đặc điểm tâm sinh lý của con trẻ.

Cân bằng được quyền học và quyền vui chơi của trẻ, không gò ép trẻ thái quá theo ý chí chủ quan của cha mẹ, thì đó mới là cách để trẻ phát triển đúng quy luật tự nhiên.

Yến Nhi
Hành tinh Xanh đang cháy và tan chảy
Hành tinh Xanh đang cháy và tan chảy

Nhiều người từng nghĩ rằng Bắc Cực, sông băng Greenland hay rừng nhiệt đới Amazon là những nơi chưa hề bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Nhưng họ sẽ phải giật mình. Họ sẽ phải nghĩ lại. Băng ở hai cực đang tan chảy và rừng Amazon đang bốc cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN