Chuyện bão lũ không phải là điều gì mới mẻ ở dải đất miền Trung nước ta. Năm nào cũng có bão lũ, không nặng thì nhẹ và cứ tới khoảng thời gian đó là lại xảy ra. Khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng thì hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra càng nhiều, với mức độ thiệt hại nặng nề hơn, cả về người và của.
Chúng ta đều dự báo trước được diễn biến mưa lũ, có thời gian chuẩn bị và ứng phó nhưng dường như vì lý do nào đó mà thiệt hại vẫn nặng nề. Đặc biệt trong thời gian tháng 9 và 10 vừa qua, những cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất liên tiếp đã gây thiệt hại ước tính 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng cùng với nhiều thiệt hại về sơ sở vật chất khác.
Khi phân tích các nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng như vậy, đa số dư luận trên báo chí, mạng xã hội đều nghĩ ngay rằng xây thủy điện, phá rừng gây tăng lũ, gây sạt lở đất. Các nguyên nhân tưởng như hiển nhiên này lại đang là điều gây tranh cãi. Các chuyên gia như Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng “không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn”. Còn Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết các khu vực vừa xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng như Quảng Nam thì đều có nhiều rừng và không có thủy điện.
Trong thực tế, vấn đề nằm ở khâu quản lý, vận hành nhà máy thủy điện. Thủy điện không gây ra lũ nhưng nếu xả lũ không đúng cách thì có thể gây ra lũ, làm lũ nghiêm trọng hơn và gây hậu quả nặng nề. Với các thủy điện lớn, quy trình chặt chẽ nhưng với các thủy điện nhỏ lẻ, không ai đảm bảo họ tuân thủ đúng quy định, không ai biết họ có “xả trộm” hay không.
Do đó, một trong những thứ cần phải làm đầu tiên khi nghĩ tới chuyện hỗ trợ dân miền Trung “sống chung với lũ” là thắt chặt quản lý chặt chẽ các nhà máy thủy điện nhỏ lẻ này. Bởi con người chỉ có thể sống chung với lũ tự nhiên do không còn cách nào khác, còn với lũ nhân tạo, lũ vô trách nhiệm thì hoàn toàn nằm trong khả năng giải quyết của con người. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận định cần tái quy hoạch phát triển, sắp xếp lại dân cư để ứng phó với việc xả lũ ở các hồ chứa.
Một việc nữa là trồng rừng và ngăn phá rừng. Dù việc này có liên quan tới sạt lở đất hay không thì trồng rừng và bảo vệ rừng không bao giờ là thừa, thậm chí rất cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang và sẽ gây ra nhiều bão lũ nữa trong tương lai.
Đó là những vấn đề cần thời gian nhưng cần phải làm ngay trước khi quá muộn. Như đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) vừa nói: “Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện ‘cóc’ tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp phép mới. Sẽ xảy ra những đợt lũ lịch sử, những tang thương nữa”.
Trước khi những vấn đề vĩ mô trên được thực hiện và có hiệu quả, cần có những hành động thiết thực nhất, khả thi nhất để giảm thiểu thiệt hại về người và của cho rốn lũ miền Trung.
Đã có nhiều mô hình sống chung với lũ ở một số nơi miền Trung. Tại vùng Tân Hóa (Quảng Bình), một số bà con làm nhà phao để nước dâng thì nhà nổi và ngôi nhà này đã phát huy tác dụng trong đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua. Mô hình nhà phao này do dự án Nhà Chống Lũ hỗ trợ, giúp 795 hộ gia đình tại nhiều tỉnh xây dựng, cải tạo nhà thành nhà phao. Với những hộ khó khăn hơn thì họ luôn chuẩn bị sẵn bè hoặc thuyền gỗ chứa các vật dụng cần thiết đủ dùng cho nhiều ngày chờ nước rút.
Tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), chính quyền nhận thức rằng muốn sống chung với lũ thì cần phải có nơi tránh lũ an toàn. Họ đã có sáng kiến xây nhà cộng đồng tránh lũ, trang bị đầy đủ những thứ cần thiết cho khoảng 200 người ở trong 7 ngày và sáng kiến này đã phát huy hiệu quả.
Nhìn sang kinh nghiệm nhiều nước khác như Trung Quốc hay Hà Lan, họ đều có những kế hoạch, dự án dài hơi, quy mô lớn để giúp dân chung sống với lũ. Trung Quốc chủ trương giảm nhẹ thiệt hại thiên tai dựa vào tự nhiên. Họ thực hiện một số đại dự án phục hồi sinh thái, trồng cả tỷ cây xanh để ngăn bớt nước đổ ra sông. Họ triển khai các dự án "thành phố bọt biển".
Tại Hà Lan, do 1/4 diện tích nằm dưới mực nước biển và nơi hội tụ của ba con sông lớn, người dân đã sống và chống chọi với lụt cả nghìn năm qua. Họ xây đê thông minh, đào hồ chống ngập, thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm, xây thành phố sống chung với lũ.
Với những nước có tiềm lực, họ có tiền để thực hiện dự án bài bản, quy mô lớn. Còn với Việt Nam, do nguồn lực hạn chế và vì nhiều lý do chủ quan, những mô hình hiệu quả như nhà phao hay nhà cộng đồng dường như chỉ là muối bỏ bể vì chưa được nhân rộng, chưa được hỗ trợ kinh phí để triển khai quy mô lớn. 795 căn nhà phao sẽ chỉ giúp 795 hộ gia đình tạm sống được khi bão về, lũ dâng cao. Còn hàng nghìn, hàng vạn ngôi nhà khác sẽ chịu cảnh nước lấp xấp mái nhà. Một vài nhà cộng đồng sẽ chỉ bảo vệ được nghìn dân, trong khi còn biết bao con người nữa ở ngoài kia.
Ở miền Trung, chúng ta có chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai với phương châm "Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển". Chúng ta có cả một hệ thống phòng chống bão lụt các cấp. Chúng ta có những lãnh đạo có tâm, có lòng thương dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần kết hợp những yếu tố đó hiệu quả để làm sao ngày càng nhiều người dân miền Trung có thể thực sự sống chung với bão lũ, không vì bão lũ mà năm nào cũng phải làm lại từ hai bàn tay trắng.