Theo Nghị định 46 (có hiệu lực từ 1/8/2016), người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (mức phạt hiện đang áp dụng là 10 - 15 triệu đồng theo Nghị định 171/2013). Người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt trên.
Ở góc cạnh nào đó, vẫn còn ý kiến cho rằng, mức xử phạt được nêu trong Nghị định 46 là quá nặng. Nhưng nói gì thì nói, đó là sự cảnh báo cần thiết, bởi tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng là có thật và nó sẽ trở thành nguy cơ nếu không được ngăn chặn kịp thời. Lý do phải tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn bởi thực tế cho thấy, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa an toàn giao thông đối với những người khác.
Phải thấy rằng, tình trạng lái xe lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đang diễn ra khá phổ biến. Thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu bia, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng, bất chấp việc đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động được triển khai. Đây là vấn đề rất đáng báo động.
Theo một số chuyên gia y tế, uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. Liên tiếp nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà một trong những nguyên nhân là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá đà. Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành quy định này thì lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, có tới 70% số vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó 55% số ca tai nạn trong lứa tuổi 15 - 29, lứa tuổi 30 - 44 là 26%. Đối tượng vi phạm quy định này nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với hơn 36%, đường đô thị 27%, huyện lộ gần 15%, tỉnh lộ 14%... Các lái xe biết rất rõ việc sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép khi lái xe sẽ bị xử phạt, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ biện minh rằng, dù có chếnh choáng hơi men, nhưng họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái! Còn với cơ quan chức năng, không phải lúc nào cũng có thể giám sát, xử phạt được những người cố ý sử dụng rượu, bia khi lái xe, nếu bản thân họ không ý thức rõ tác hại khôn lường của tệ nạn này.
Số liệu thống kê của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) cho thấy, có hơn 60% số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại bệnh viện này có liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó 40% số ca bị chấn thương vùng đầu, tổn thương não. Trong khi đó, hiện nay, rượu bia được bán phổ biến, ở quán nước, quán ăn ven đường, ở đâu cũng có thể tiếp cận được rượu, bia và sử dụng thoải mái mà không bị kiểm soát.
Bởi vậy, để kiềm chế tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, trước hết phải xuất phát từ ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia giao thông, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Chỉ khi người tham gia giao thông ý thức rõ được tính nghiêm trọng và hậu quả tàn khốc mà tai nạn giao thông đưa lại, thì lúc đó tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe mới bị đẩy lùi.