Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát |
Câu hỏi được đặt ra: Có bao nhiêu con lợn bị tiêm thuốc an thần được tung ra thị trường và có bao người đã sử dụng thịt lợn bị tiêm chất độc hại này?
Những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế việc sử dụng, kinh doanh thực phẩm bẩn đang là nguy cơ có thực và rất có thể trở thành một thảm họa nếu không có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, những con lợn bị tiêm ở cơ sở giết mổ Xuyên Á đều dương tính với Acepromazine, loại thuốc chống co giật, giảm đau, chống stress, trị viêm da mẩn ngứa, dị ứng cho động vật.
Theo các nhà khoa học, hoạt chất của Acepromazine có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, thường được sử dụng tiền gây mê trong phẫu thuật. Người sử dụng thường xuyên thịt động vật có chứa chất Acepromazine sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, hội chứng thận hư, mắc bệnh thần kinh, đãng trí, trầm uất, run chân tay... Đặc biệt, triệu chứng này càng trầm trọng đối với trẻ em và những người có bệnh tim mạch, gan, thận.
Chuyện những con lợn bị tiêm thuốc an thần cùng nhiều loại thực phẩm bẩn được tiêu thụ công khai trên thị trường thời gian gần đây cho thấy không những kỷ cương bị coi nhẹ, mà đằng sau đó là những hệ lụy khôn lường đối với cộng đồng.
Phải thấy rằng, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua mặc dù đã có bước chuyển biến ở nhiều lĩnh vực, nhưng diễn biến hết sức phức tạp, ngày một tinh vi hơn. Dù liên tiếp bị triệt phá, nhưng vì hám lợi, nên nhiều lò thịt không an toàn vẫn tồn tại và khó có thể thống kê lượng thịt này được đưa ra thị trường đầu độc người tiêu dùng. Lâu nay, thịt lợn chết, lợn bệnh trôi nổi trên thị trường đã trở thành thách thức lớn không chỉ với các nhà quản lý. Không chỉ lợn tiêm thuốc an thần, thậm chí cả lợn chết cũng được đầu nậu thu gom bán cho các chủ lò chuyên thu mua, các chủ lò sơ chế bằng hóa chất cho thịt tươi lại, sau đó đưa đi bỏ mối cho các cơ sở chế biến thịt quay, các tiệm bánh mì, tiệm cơm, một phần được đưa ra thị trường bán với giá tương đương lợn sạch mà người tiêu dùng khó mà phân biệt.
Thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều kẽ hở trong công tác kiểm tra, xử lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó chính là cơ hội để những kẻ vô lương tâm, hám lợi gieo rắc tai họa cho người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn vẫn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, từng bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trên thực tế, rất nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, như tiêm thuốc an thần vào lợn; sử dụng chất Ethephon (còn gọi "thúc chín tố") để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ; đưa hàn the vào giò chả, dùng đạm ure ướp cá; đưa formaldehyde vào bánh phở... được cơ quan chức năng phát hiện, nhưng mức độ xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Để triệt chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, cần phải có giải pháp ngăn chặn từ gốc, đặc biệt phải tăng thêm mức phạt với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là cần những biện pháp mạnh, kiên quyết đối với những chủ hàng, đầu mối, thậm chí cả chủ doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ, coi thường tính mạng con người.
Cũng đã đến lúc phải chỉ đích danh, quy rõ trách nhiệm, đồng thời phải xử lý kiên quyết, triệt để những đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý thực phẩm không an toàn, nhưng vì lợi ích cục bộ mà làm chiếu lệ, tư túi cá nhân, mà coi thường kỷ cương phép nước, coi thường sức khỏe cộng đồng.