Trước những bức xúc của dư luận, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đi kiểm tra thực tế tại một số tuyến phố, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cá nhân liên quan.
Không khó để đối chứng chất lượng thực của các công trình vỉa hè so với chủ trương của thành phố khi tiến hành cải tạo, nâng cấp vỉa hè ở một số quận nội thành. Chủ trương lát hè đường của Hà Nội chỉ thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, không bảo đảm chất lượng, đã được đầu tư đồng bộ và ổn định hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...), vật liệu lát hè và bó vỉa phải là vật liệu tự nhiên có độ bền 60 đến 70 năm...
Tuy nhiên, các đơn vị triển thực hiện không đúng chỉ đạo của thành phố. Hồ sơ thiết kế khá sơ sài, thiếu đánh giá nền hiện trạng, đánh giá hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng... để đưa ra kết cấu và vật liệu lát vỉa hè nhằm bảo đảm chất lượng. Tại một số tuyến phố như Trung Kính, Trần Duy Hưng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi... công trình thi công quá ẩu, nhiều viên đá lát chỉ dùng thanh sắt bậy nhẹ lên đã vỡ thành nhiều mảnh...
Không chỉ sử dụng vật liệu kém chất lượng, phần bó vỉa dọc tuyến phố nhiều đoạn thiết kế cao so với mặt đường, không hạ cốt mở lối cho người dân đi lại, dắt xe lên hè. Chính vì vậy, người dân ở một số tuyến phố được lát lại vỉa hè buộc phải đặt cầu dẫn bằng sắt, bê tông để đi lại. Từ khi đào, các cửa hàng hầu như không có khách do quá bụi bặm, đường bị hạ cốt để làm vỉa hè khiến cho nền nhà dân quá cao, thậm chí nền vỉa hè khoét sâu vào tận cửa nhà dân.
Có thể thống kê rất nhiều nguyên nhân khiến vỉa hè Hà Nội nhanh xuống cấp, nhưng tựu chung là do công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, không quy định rõ trách nhiệm trong các khâu đầu tư - xây dựng, cải tạo - sửa chữa, khai thác - sử dụng. Phần lớn đơn vị sau khi trúng thầu đã thuê lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm thi công. Nhiều đơn vị thi công bớt xén công đoạn nhằm giảm chi phí, không xử lý cốt nền kiên cố, mà “nhồi” xi măng, cát sỏi thi công cho nhanh. Không ít trường hợp, vì đơn vị thi công quá cẩu thả khiến vỉa hè vừa lát xong đã bị kênh, vỡ... khiến người dân phải tự bỏ tiền ra lát lại.
Trở lại vấn đề chất lượng đá lát vỉa hè Hà Nội gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây, vẫn biết, mục tiêu cải tạo vỉa hè là để tạo ra cảnh quan đẹp hơn cho bộ mặt đô thị. Nhưng với cung cách quản lý và thực trạng của vỉa hè Hà Nội hiện nay, thì thấy rõ sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, gây lãng phí lớn nguồn vốn ngân sách.
Tại cuộc giao ban của Thành ủy Hà Nội tháng 12/2017, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, chuyện chất lượng đá lát vỉa hè không thể xem như không có gì, không thể phủi tay và vô trách nhiệm với dân. Bí thư thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ dự án, từ khâu phê duyệt, thiết kế, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình, từ đó có hình thức xử lý trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân có sai phạm; đồng thời, rà soát lại toàn bộ các dự án chuẩn bị đầu tư.
Dư luận đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, dư luận cũng đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần quan tâm giải quyết vụ việc tới cùng, tránh “đầu voi đuôi chuột”.