Những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng, lãi và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã “giảm sức đề kháng” và rất nhiều doanh nghiệp đã không “cầm cự” ngay từ đợt dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên. Chính vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững, ổn định, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ), chính sách thuế (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động... phần nào giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Những chính sách này của Chính phủ được đánh giá là rất kịp thời, tuy nhiên trong quá trình tiếp cận, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi phải thực hiện rất nhiều yêu cầu thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ. Theo đó, đã có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được sự hỗ trợ này dù Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng sự quyết liệt đó không được duy trì xuống các cấp, các ngành và địa phương.
Trong khi doanh nghiệp còn đang loay hoay tiếp cận chính sách hỗ trợ, chưa kịp hồi phục, đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 cũng đã khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn hơn. Do dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước. Hiện dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm mà còn có nguy cơ bùng phát mạnh hơn trước, doanh nghiệp đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, bên cạnh việc hạ lãi suất ngân hàng, khoanh nợ cho doanh nghiệp, giảm thuế... việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này một lần nữa tiếp tục cần được Chính phủ đưa ra xem xét như một vấn đề cấp bách chứ không thể đợi doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rồi mới tính toán đến phương án hỗ trợ.
Chính phủ cũng cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, đồng thời cần có chính sách “bơm” vốn… Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần giải quyết "nút thắt" trong khâu thực thi tại cơ sở từ những vướng mắc của chính sách hỗ trợ đợt 1 để doanh nghiệp có đủ sức phục hồi khi nguồn lực đã gần như cạn kiệt.
Ngược lại, đây cũng là lúc mà đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần tập trung mọi nguồn lực để vượt qua khó khăn, giữ vững doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng thị trường gần 100 triệu dân trong nước qua việc tập trung kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, giảm giá bán, tổ chức tốt việc đưa hàng hóa, dịch vụ đến các khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn nông thôn…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới nhằm tranh thủ sức mua của thị trường để tăng lưu thông hàng hoá, gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như nội lực trong dài hạn.
Ngoài ra, điều cũng không kém phần quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay là cần phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.
Song song đó, doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội có thể, nhất là cơ hội từ các hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm đối tác; tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo… để có thể phục hồi sản xuất.
Doanh nghiệp có lớn mạnh thì mới làm đất nước phát triển lớn mạnh, như cách đây 75 năm, trong bức thư ghi ngày 13/10/1945 gửi “Giới công thương Việt Nam”, Bác Hồ đã khẳng định: “Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.