Quận Hoàng Mai với lợi thế hiện có phải hiện thực hóa khát vọng, phấn đấu để trở thành một “cực tăng trưởng”, trở thành động lực lan tỏa kéo khu vực phía Nam Thủ đô phát triển theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, 17 năm qua, nhất là nhiệm kỳ 2015-2020, quận Hoàng Mai đã có bước phát triển tích cực, minh chứng cho chủ trương thành lập quận là đúng đắn. Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện rất khó khăn, quận đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Sau đại hội, cán bộ chủ chốt thể hiện tinh thần đoàn kết, khát khao cống hiến, mong muốn đưa quận phát triển lớn mạnh.
Tuy nhiên, theo theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàng Mai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, nhưng quận còn rất nhiều việc phải làm vì trên các lĩnh vực đều còn những hạn chế tồn tại, nhất là hạ tầng còn nhiều bất cập, lạc hậu, manh mún; đô thị phát triển nhưng chưa gắn với kinh tế đô thị. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, từ công tác xây dựng Đảng, bảo vệ môi trường, tệ nạn xã hội, phát huy văn hóa con người... quận phải thực hiện nhiều công việc hơn nữa.
Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo, Quận ủy Hoàng Mai phải tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; lấy sản phẩm để đánh giá cán bộ; đào tạo cán bộ toàn diện, đưa cán bộ vào thực tiễn để đào tạo. Trước mắt, quận tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, trong đó phải đặt yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu quận Hoàng Mai phải có kế hoạch hành động rất quyết liệt, xác định rõ phương hướng, mục tiêu trong 3 năm tới (đến mốc kỷ niệm 20 năm thành lập quận), 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. Trong đó, quận phải lên danh sách những dự án mang tính động lực như các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B Công viên Yên Sở, Trung tâm thương mại AEON; tháo gỡ vướng mắc trong việc di dời Bến xe phía Nam; phối hợp cùng các chủ đầu tư rà soát điều chỉnh bất cập về quy hoạch 1/500 các khu đô thị...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng gợi mở quận cũng phải coi giải phóng mặt bằng là khâu đột phá; đăng ký với thành phố là đơn vị đầu tiên thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép; đăng ký xây dựng mô hình một khu đô thị văn minh và mô hình đội quản lý trật tự xây dựng kiểu mẫu của thành phố.
Tiếp thu ý kiến, đồng thời thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quận sẽ quyết tâm tạo bước đột phá, xây dựng Hoàng Mai xứng đáng là quận trung tâm phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ.
Trước đó, trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng quận đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu nhiệm vụ thành phố giao (trong đó có 7 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn kết thúc năm 2020 đạt 6.160 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Quận uỷ Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cũng nêu rõ một số tồn tại hạn chế như: Một số phường trên địa bàn còn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, xử lý chưa kiên quyết, triệt để. Kinh tế tăng trưởng chưa cao, số nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, kéo dài qua nhiều năm; việc thu tiền sử dụng đất một số dự án vẫn gặp khó khăn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế so với yêu cầu...
Nhằm tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo nguồn lực để quận Hoàng Mai phát triển, Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu đã nêu 6 nhóm lĩnh vực kiến nghị, đề xuất với thành phố. Đáng chú ý, quận Hoàng Mai đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng bãi phân khu đô thị sông Hồng trong đó có các phường của quận Hoàng Mai (phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Thanh Trì) với mục tiêu giữ lại khu vực làng xóm hiện hữu, đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đô thị sinh thái.
Hiện trên địa bàn quận Hoàng Mai có nhiều đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 các khu đô thị trong giai đoạn 1996 - 2014 (Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, Khu Bắc Linh Đàm, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp...) cho đến nay không còn phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc so với quy hoạch phân khu H2-3 và H2-4 về mật độ xây dựng, tầng cao công trình. Do đó, quận Hoàng Mai đề nghị thành phố chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài ra, quận Hoàng Mai đề nghị thành phố giao cho quận làm chủ đầu tư thực hiện một loạt các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, bằng nguồn vốn ngân sách của quận; đồng thời, thành phố bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đối với các dự án theo tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu làm việc với Bộ Xây dựng để sớm điều chỉnh các quy định còn bất cập liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, để ổn định đời sống dân sinh.