Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Trạm Y tế Online được lập ra với mong muốn tận dụng mạng xã hội Facebook và Zalo để tiếp cận nhanh nhất đến người bệnh, đặc biệt là các trường hợp F0, F1 thể nhẹ đang điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, trạm cũng góp phần giảm áp lực cho trạm y tế phường cũng như tăng cường tối đa khả năng hỗ trợ cho các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
"Ngay khi mô hình này hoạt động, chúng tôi đã gửi link fanpage Facebook vào các tài khoản mạng xã hội Zalo của UBND phường đến các tổ dân phố, trong công tác phòng chống dịch. Trạm Y tế Online phường Trúc Bạch hoạt động 24/7. Bất cứ khi nào người dân có thắc mắc về dịch COVID-19, có thể đăng thông tin lên trang fanpage Facebook, nhắn tin riêng hoặc gọi điện đến đường dây nóng của trạm y tế online hoặc trạm y tế phường và UBND phường...", ông Nguyễn Dân Huy cho hay.
Video ghi nhận quy trình hoạt động của trạm y tế online đầu tiên ở Hà Nội:
Sau 3 ngày đi vào hoạt động, hiện trạm y tế online đầu tiên của Hà Nội đã thu hút được sự ủng hộ và quan tâm của người dân địa phương. Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, mỗi người khi mắc COVID-19, thậm chí kể cả khi không triệu chứng/ triệu chứng nhẹ đều sẽ gặp áp lực rất lớn về tâm lý. Do đó họ luôn cần có sự đồng hành. Đôi khi chỉ cần 1 - 2 lời động viên của cán bộ y tế sẽ giúp họ giải tỏa căng thẳng đi rất nhiều. Thông qua Trạm Y tế Online, phường Trúc Bạch đã rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian giữa người mắc COVID-19 với cán bộ y tế, cán bộ UBND phường.
Chủ tịch phường Trúc Bạch chia sẻ thêm, thời gian đầu lực lượng vận hành trạm y tế online này chỉ có 3 người-là chính những thành viên của trạm y tế phường. Ngay sau đó, phường đã bổ sung nguồn lực gồm cán bộ phường, trạm y tế phường, các y bác sĩ tình nguyện và lực lượng thanh niên. Hiện tại, phường cũng đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của 2 bác sĩ từ bệnh viện Hồng Ngọc có trụ sở hoạt động trên địa bàn.
Trạm Y tế Online phường Trúc Bạch được chia làm 4 tổ công tác. Tổ thứ nhất tiếp nhận tất cả thông tin của người dân trên fanpage, qua điện thoại hoặc Zalo. Sau khi tiếp nhận thông tin, tổ này sẽ chuyển đến một trong 3 tổ còn lại, trong đó mỗi tổ đảm nhận xử lý một mảng riêng, bao gồm: Các vấn đề liên quan đến nhu yếu phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân. Ví dụ như F0 cần nhận thiết bị để làm việc tại nhà thì sẽ có lực lượng hỗ trợ tận nơi; Tư vấn chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần của bệnh nhân; xử lý các vấn đề về thuốc; về điều trị; Duy trì thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân sau khi đã âm tính SARS-CoV-2 và giải quyết các thủ tục hành chính.
Chia sẻ thêm với báo Tin tức, bác sĩ Chu Thị Hợp (thành viên của trạm y tế phường Trúc Bạch) cho biết, những ngày cao điểm, trạm y tế phường chỉ có 6 cán bộ nhưng liên tục phải tiếp nhận thông tin từ hướng dẫn, điều trị cho gần 300 bệnh nhân trên địa bàn. Những ngày tiêm vaccine, điện thoại của các y bác sĩ luôn trong tình trạng "cháy máy" vì các cuộc gọi của những bệnh nhân mắc COVID-19.
"Trạm y tế online ra đời đã san sẻ một phần công việc cho chúng tôi. Bên cạnh đó, việc có thêm đường dây nóng của Trạm Y tế Online đã giảm tải cho đường dây nóng của Trạm Y tế phường, giúp người dân dễ kết nối hơn", bác sĩ Chu Thị Hợp cho hay.