Lộ trình của kế hoạch di dời tiến hành từ ngày 1 - 3/9, với tổng thể khoảng 1.100 người dân. Người già, người cao tuổi sức khỏe yếu, người bị bệnh tai biến, phụ nữ mang thai có bệnh, người bị bệnh nền được ở lại nhà.
Đối với 5 khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 1960 của Nhà máy Xà Phòng, Cao su Sao Vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông hiện xuống cấp nghiêm trọng, có khoảng 300 nhân khẩu, nhưng khu vệ sinh phải sử dụng chung là nguồn nguy hiểm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, quận cũng chú trọng việc giãn cách người dân khu vực này.
Quận lắp đặt 10 camera an ninh để theo dõi các hoạt động trong vùng dịch và cử gần 50 cán bộ túc trực ngay trong “ổ dịch” quản lý, cũng như phục vụ, tiếp tế sinh hoạt cho nhân dân còn ở lại. Quận cũng huy động tất cả các ban ngành, đoàn thể vận động quyên góp, ủng hộ, huy động xã hội hóa để giúp đỡ lương thực cho tất cả người dân trong vùng dịch.
Trước đó, trước tình hình ổ dịch lây lan nhanh chóng, quận đã lập 13 chốt cứng tại các ngõ dân phố, kiểm soát không cho người dân ra khỏi địa bàn; đồng thời xét nghiệm 3 lần cho 700 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu. Vì vậy, mặc dù ổ dịch lớn nhưng không lây ra ngoài cộng đồng và các khu dân cư khác. Hiện toàn phường có 0 F đang được điều trị và 300 F1 đang được cách ly tập trung.
Quận Thanh Xuân cũng đã kiện toàn nhân sự, điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết thêm, trong thời gian tới quận tăng cường thêm lực lượng để hỗ trợ cho những cán bộ đã nhiều ngày, đêm tham gia phòng, chống dịch bệnh tại đây vì thực tế đã có người nhiễm F0 và một số cán bộ là F1. Trên tinh thần chỉ đạo của các cấp, quận sẽ nỗ lực, quyết tâm cao để sớm đẩy lùi dịch bệnh.