Các khu đất này thuộc các quận, huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất về chủ trương tại Thông báo số 246/TB-VP ngày 13/6/2024.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương để rà soát, củng cố thông tin về 9 địa điểm đất và bổ sung khoảng 5 - 6 địa điểm đất với quy mô nghiên cứu sử dụng khoảng 1.000 - 1.500 ha.
"Các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được giới thiệu là cơ sở vững chắc cho thành phố Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu phân bổ về nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân thuộc 12 đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và kinh tế địa phương", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh.
Trong các giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện, rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, thu hồi đất, giao đất, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bố trí vốn linh hoạt vốn với các dự án đầu tư mà thành phố giao cho sở chuyên ngành, các quận, huyện lập chủ trương đầu tư…
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội triển khai xây dựng 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 272,45 ha, dự kiến khi hoàn thành cung cấp thêm khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Đến nay, 2/5 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết đều tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), đó là Dự án khu nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Greenlink City (quy mô khoảng 210.000 m2 sàn, 3.200 căn hộ) và Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới - nhà ở xã hội (quy mô khoảng 196.000 m2 sàn, 3.000 căn hộ).
Ba dự án khu nhà ở xã hội tập trung chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, gồm dự án tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (quy mô khoảng 152.000 m2 sàn, 2.400 căn hộ), dự án tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (quy mô khoảng 215.000 m2 sàn, 3.600 căn hộ).
Dự án tại ô đất C1-5 thuộc quy hoạch phân khu đô thị S5, huyện Thanh Trì và Thường Tín đang vướng mắc về phạm vi, ranh giới liên quan đến phương án mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi thuộc quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đấu nối thành phố Hà Nội nên chưa thể triển khai.
Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng trên thực tế, mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ được xây dựng đều hạn chế. Từ nay đến hết năm 2025, thành phố dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động, thu nhập thấp. Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030" của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ đạt 26,24% kế hoạch. Giai đoạn 2021- 2023, Hà Nội có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 2 dự án hoàn thành một phần với khoảng 0,41 triệu m2 sàn, tương đương 5.200 căn hộ; có 54 dự án đang triển khai với khoảng 3,1 triệu m2 sàn, tương đương 46.700 căn hộ. Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án. Tuy nhiên, số lượng căn hộ nhà ở xã hội của Hà Nội hiện nay cũng chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, các địa phương chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với các dự án đã khởi công, đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024. Với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cho thuê đất, lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng…để nhanh chóng khởi công, xây dựng ngay trong năm nay. Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương lập quy hoạch; hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác. Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, 2 thành phố đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo mục tiêu được giao.
Đáng chú ý, thực hiện cam kết với công nhân lao động tại cuộc đối thoại hồi tháng 5 vừa qua về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, đảm bảo đến tháng 10/2024 có thể khởi công ít nhất một dự án nhà ở xã hội. Tới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây sẽ là dịp để thành phố trao đổi, cung cấp thông tin tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội. Qua đó, thành phố tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất, sáng kiến kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhằm tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển đối với lĩnh vực nhà ở xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thành phố yêu cầu việc tổ chức đối thoại bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia phát biểu ý kiến và nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, thực hiện dự án. Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, các sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm trả lời tại hội nghị hoặc tham mưu UBND thành phố giải đáp sau hội nghị trên tinh thần giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.