Sáng suốt lựa chọn người đủ tài, đức
Từ sáng sớm, khắp nẻo đường trên địa bàn huyện Ba Vì ngập tràn sắc đỏ của cờ, biểu ngữ, cùng với đó rộn ràng tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về Ngày hội non sông.
Nhà văn hóa thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì nằm chếch bên con dốc phía lưng chừng đồi, nơi cuối cùng của huyện Ba Vì. Ngay cổng vào, phía hai bên cột cổng đôi hàng khẩu hiệu đỏ tươi, chữ vàng cứng cáp tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, được treo trang trọng ngay ngắn. Từ khu vực bỏ phiếu đến chỗ niêm yết danh sách các ứng viên đều được bố trí trang trọng, thuận lợi cho việc nghiên cứu và thực hiện quy trình bầu cử của các cử tri.
Có mặt tại sảnh của nhà văn hóa thôn với bộ áo Dao đẹp mắt, gọn gàng, Dương Thị Quỳnh (dân tộc Dao) 30 tuổi, dành thời gian nghiên cứu tiểu sử các ứng viên trước khi lựa chọn người đại diện cho mình. Quỳnh chia sẻ, chị cũng như nhiều cử tri ở thôn đã nắm và hiểu cặn kẽ quy trình của cuộc bầu cử. Vì trước đó, cán bộ thôn, xã đã tuyên truyền, giới thiệu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 bằng tiếng Dao và tiếng Kinh cho đông đảo người dân. Quỳnh tỏ rõ vẻ hân hoan khi vừa hoàn thành bầu cử: “Mọi khi từ 4-5 giờ sáng, tôi sẽ lên núi hái thuốc. Nhưng hôm nay, tôi cũng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng tươm tất, rồi vận động mọi người trong gia đình đi bầu cử đúng giờ, sau đó mới về nhà chế biến thuốc nam như thường nhật”.
Theo phong tục, phụ nữ dân tộc Dao thường ít quan tâm đến vấn đề chính trị, xã hội, chỉ quen nội trợ, làm ruộng và đi rừng kiếm cây thuốc. Nên nhiều năm trước, phụ nữ dân tộc Dao thường hay nhờ người thân trong gia đình thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu thay mình. Nhưng để cuộc bầu cử đạt kết quả và có chất lượng tốt, xã Ba Vì đã đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, vận động các cử tri nữ trên địa bàn.
Theo bà Lăng Thị Tuất, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ba Vì, ngoài tập huấn cho các hội viên về các quy định của bầu cử, Hội còn dành thời gian đi đến tận nhà những chị em không có thời gian dự tập huấn để vận động, tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện quyền công dân của mình trước sự kiện trọng đại của đất nước. Nhờ vậy, nhân dân cũng như hội viên đã nắm được những quy định và tiểu sử của các ứng cử viên của để bầu trúng và đúng”.
Trong sắc thắm của cờ hoa biểu ngữ giăng khắp nẻo đường các xã, thị trấn, 214.000 cử tri huyện miền núi Ba Vì đã phấn khởi, vui mừng đến 237 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn huyện để bầu các đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, địa bàn có 7 xã miền núi nơi đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, huyện tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa của cuộc bầu cử. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ công tác bầu cử cho các tổ nên đến giờ, cử tri rất hăng hái đi bầu cử. Đến 11 giờ tại huyện Ba Vì đã có 80% số cử tri đi bầu cử. Riêng xã Ba Vì nơi có 98% người Dao sinh sống đã có 98% số cử tri đi bỏ phiếu.
Khí thế ngày hội non sông hiện ở mỗi bản làng
Đặc thù của sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô là phân tán, địa hình chia cắt. Đây cũng là một trở ngại trong công tác tuyên truyền và trang trí so với các quận huyện khác trên địa bàn Hà Nội. Song với tinh thần tạo khí thế cho người dân trước ngày bầu cử, chính quyền các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã dành khá nhiều nguồn lực cho việc trang trí trực quan.
Từ Đại lộ Thăng Long rồi vào con đường 446, tới trục đường liên xã Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất), nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, thấy đỏ rực một màu cờ, cùng biểu ngữ, pa nô treo ở nhiều nơi. Khí thế của ngày hội đang hiện rõ ở bản Mường.
Theo ông Nguyễn Giáp Dần, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Bình ngoài trang trí tuyên truyền trực quan tại các khu vực công cộng, điểm bỏ phiếu, các tuyến đường giao thông, UBND xã còn chỉ đạo hệ thống truyền thanh tăng cường thời lượng, số lượng các bản tin truyền về bầu cử, tình hình dịch COVID-19…
Đặc biệt, với đặc thù là xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, địa bàn rộng có tới 6 điểm bỏ phiếu nên địa phương đã vận động, giao trách nhiệm cho những người có uy tín trong thôn, bản tuyên truyền đến người dân bằng tiếng nói của đồng bào để dễ tiếp thu hơn. Với việc tuyên truyền sâu rộng như vậy, ông Nguyễn Giáp Dần tin tưởng xã sẽ thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. “Đồng bào rất tin tưởng và kì vọng vào nhiệm kỳ mới với mong muốn các ứng cử viên là đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ thực hiện những lời hứa, cam kết của mình trước trước cử tri của cả nước và cử tri của xã Yên Bình”, ông Nguyễn Giáp Dần chia sẻ.
Còn ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn xã đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, nên đúng 7 giờ sáng 23/5, tất cả các tổ bầu cử đều tổ chức khai mạc trang trọng, cử tri đi bỏ phiếu rất đông đủ. Hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc, cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp.
Có thể nói, đồng bào các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội rất phấn khởi tkhi được cầm trên tay lá phiếu bầu cử để sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, của địa phương. Đồng bào dân tộc thiểu số mong mỏi, tới đây, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có những quyết sách, ưu tiên nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, để miền núi theo kịp miền xuôi, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.